Hoa đầu mùa ở Koh Kong

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, cộng đồng người gốc Việt ở Vương quốc Campuchia luôn hướng về tương lai, cố gắng cho con em mình được học hành, rành chữ Khmer nhưng không để mai một tiếng mẹ đẻ. Trước thềm năm mới 2021, có thêm một lớp học tiếng Việt được khánh thành tại tỉnh Koh Kong của đất nước Chùa Tháp.

Cô giáo Dương Kim Huệ giúp bé làm quen với chữ Việt.
Cô giáo Dương Kim Huệ giúp bé làm quen với chữ Việt.

Đúng như câu tục ngữ “Một kho vàng không bằng một nang chữ”, truyền thống hiếu học của cha ông chưa bao giờ phai trong lòng những người con gốc Việt ở Koh Kong. Lớp học khang trang vừa được khánh thành tại phường Steng Veng, TP Khemarak Phoumin, thủ phủ tỉnh Koh Kong là tin vui, đem lại nhiều hy vọng cho bà con.

Lớp học nằm trong khuôn viên trụ sở Hội Khmer - Việt Nam tỉnh Koh Kong. Cả khoảnh đất rộng gần 300 m² cùng công trình xây dựng và trang thiết bị ở đây đều là quà tặng tình nghĩa của Đảng bộ, nhân dân TP Hồ Chí Minh, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán nước ta tại tỉnh Preah Sihanouk cùng các nhà hảo tâm trên địa bàn.

Nhân dịp đến dự khai trương trụ sở Hội và lớp học, Tổng Lãnh sự Vũ Ngọc Lý cho biết, năm qua, cùng chung hoàn cảnh với người dân sở tại, cộng đồng người gốc Việt trên địa bàn sáu tỉnh trong khu vực lãnh sự, gồm Preah Sihanouk, Kampot, Kep, Koh Kong, Takeo và Kampong Speu đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

“Bên cạnh các hoạt động trợ giúp bà con khắc phục khó khăn do dịch bệnh, mưa lũ, việc giữ gìn văn hóa truyền thống, giáo dục con em gốc Việt luôn được quan tâm hàng đầu”,  ông Vũ Ngọc Lý chia sẻ.

Tiếp xúc với chúng tôi, Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tỉnh Koh Kong Nguyễn Nhí Anh cho biết, trên địa bàn có hai lớp tiếng Việt. Lớp ở trong thành phố thì mở tạm trên đất thuê, lớp học kia thì ở bên đảo Koh Kong. Hằng ngày, các cháu đến trường phổ thông học chương trình của Bộ Giáo dục Campuchia, buổi chiều cha mẹ chở đến lớp tiếng Việt. Tuy nhiên, lớp học ở huyện Mondol Seima trên đảo Koh Kong đã xuống cấp và do dịch Covid-19 bùng phát nên cô giáo đã tạm về Việt Nam, Ban Chấp hành Hội đang nghiên cứu để sớm mở lại.

Lớp học tiếng Việt bên cạnh trụ sở Hội khánh thành hôm nay, được Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ 25 bộ bàn ghế, Tổng Lãnh sự quán tại tỉnh Preah Sihanouk tặng hàng chục đầu sách giáo khoa, truyện tranh và dụng cụ học tập. Trong buổi sáng, đã có hơn 20 cháu được phụ huynh dẫn vào lớp.

Xinh xắn trong váy đôi mầu hồng, hai chị em ruột Thảo My, 10 tuổi và Thảo Ly, chín tuổi, háo hức mở xem những trang sách tiếng Việt nhiều mầu sắc, thơm mùi mực, được cô bác chuyển từ quê hương Việt Nam sang. Các bé nói, muốn học giỏi tiếng mẹ đẻ để biết đọc chữ, biết hát, rồi dạy lại cho các em thơ gần nhà.

Trong niềm hân hoan, tự hào của cộng đồng, cô giáo Dương Kim Huệ, 29 tuổi, xúc động viết những dòng chữ Việt đầu tiên lên bảng đen để các cháu tập đánh vần. Cô dạy, trò đọc theo, âm thanh trong trẻo từ lớp học vang xa trong không gian miền biển.

Từ nhiều năm qua, cùng với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia láng giềng Việt Nam và Campuchia, tiếng Việt đã dần trở nên quen thuộc với người dân nước bạn thông qua hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục. Đã có nhiều sinh viên Campuchia, bao gồm cả người gốc Việt, sang Việt Nam học tập, khi về nước được tuyển vào làm tại các công ty lớn có vốn đầu tư của Việt Nam.

Cô giáo Huệ tâm sự: “Nay đã có lớp học khang trang, mong phụ huynh đưa các con đến lớp tiếng Việt đều đặn để các con học giỏi, hiểu được văn hóa cội nguồn. Mai này lớn lên, các con có tri thức, có thể làm việc ở mọi nơi, góp phần xây dựng hai đất nước Campuchia và Việt Nam”.

Tuổi trẻ là mùa Xuân. Ngoài kia, nắng ấm đang lan tỏa trên mặt biển xanh, cây lá trong công viên Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, trung tâm TP Khemarak Phoumin đã có những bông hoa đầu mùa.