1. “Vòng tay mình quá nhỏ bé, thời gian còn lại thì quá ngắn ngủi, mà mơ ước thì lại quá lớn! Chỉ có cách giúp thế hệ trẻ thì mình mới có thể nới rộng vòng tay vươn ra xa hơn được”, TS Võ Tá Hân chia sẻ những lời tâm huyết khi trao đổi thông tin trực tuyến qua internet. Thành công trong sự nghiệp nhưng ông không nhận danh xưng mình là chuyên gia tài chính hay nhà khoa học mà chỉ coi mình là người may mắn. Có cơ hội du học, được sống, làm việc, đi nhiều nơi trên thế giới và mở rộng tầm nhìn, ông nghĩ rằng mình nên cố gắng giúp những người kém may mắn, giúp các bạn trẻ thành công, để cùng đóng góp cho quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Ý tưởng đưa nguồn tri thức thế giới về phục vụ xây dựng đất nước thôi thúc mạnh mẽ từ năm 1988, khi TS Võ Tá Hân từ Singapore lần đầu về lại Việt Nam với tư cách Chủ tịch Hội doanh nghiệp Canada tại Singapore. TS Võ Tá Hân hồi tưởng: “Sau lần về này, không ngày, không đêm nào tôi không nghĩ đến Việt Nam. Giờ phải làm gì giúp đất nước vươn lên? Tôi nghĩ, người Việt chúng ta vốn rất thông minh, hiếu học và nhẫn nại. Nếu có cơ hội, chúng ta sẽ phát triển không thua kém các nước trong khu vực. Tất cả kiến thức của nhân loại đều nằm trong sách vở nên không có gì hiệu quả hơn là chuyển kiến thức về Việt Nam, vì “tri thức là chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa”, từ đó có thể giúp cho đất nước chóng giàu mạnh”.
Với niềm tin tưởng mạnh mẽ như vậy, khi về lại Singapore, TS Võ Tá Hân tìm cách quyên sách gửi về nước. Ban đầu, ông viết một lá thư rồi nhân lên 100 bản gửi đến các nơi quen biết, bạn bè, trường cũ… để xin sách. Với cách này, ông quyên được 1.500 cuốn, gửi tặng Viện Kinh tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau đó, ông thuyết phục và mua lại được với giá rẻ kho sách của Nhà xuất bản Simon & Schuster - Prentice Hall với khối lượng hàng trăm tấn sách về chuyên ngành kỹ thuật, y khoa, luật, quản trị kinh doanh, tài chính, giáo dục...
2. Về đến TP Hồ Chí Minh, số sách đầu tiên được chuyển đến Viện Kinh tế để sắp xếp lại và phân phối, sau đó một buổi lễ tặng sách và một cuộc triển lãm được tổ chức trọng thể. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc ấy đang giữ cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến thăm triển lãm trưa 11-7-1990, sau đó viết thư khen tặng: “… Những cuốn sách mà tôi được thấy tận mắt trong buổi trưng bày đều vô cùng quý giá đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý ở TP Hồ Chí Minh và cả nước. Tôi đã góp ý kiến, nhắc nhở Viện Kinh tế làm sao để sớm phổ biến rộng rãi số sách này đến những ngành, những người quan tâm lĩnh vực này ở trong nước. Tôi hết sức hoan nghênh công sức anh đổ ra để thu gom và gửi về ngần ấy sách. Chắc Viện Kinh tế đã có thư cảm ơn anh rồi. Nhưng nay, tôi thay mặt cho toàn thể giới trí thức thành phố, xin cảm ơn anh lần nữa. Tôi mong rằng, anh sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ và sự giúp đỡ đối với Viện Kinh tế thành phố và nhân dân TP Hồ Chí Minh”. Với TS Võ Tá Hân, lá thư này có ý nghĩa rất lớn vào thời điểm đó.
3. Ngoài sách của Nhà xuất bản Simon & Schuster - Prentice Hall, nguồn sách lớn thứ hai chuyển về Việt Nam là từ Nhà xuất bản World Scientific của vợ chồng TS K.K Phua, là hai người bạn ông quen từ thời họ mới khởi nghiệp. Đến nay thì World Scientific đã trở thành nhà xuất bản sách lớn nhất Singapore, chuyên xuất bản những đầu sách khoa học - kỹ thuật cao cấp. Ngoài ra, khi biết về chương trình Books4Vietnam của TS Võ Tá Hân, Nhà xuất bản TK Publishing cũng đã trao tặng bảy tấn sách Y khoa. Ông cũng quyên được rất nhiều sách từ thư viện của các trường như Temasek Polytechnic (7.000 cuốn)… Sau khi về hưu và từ Singapore về định cư ở Mỹ, ông lại may mắn liên lạc được người bạn Steve Smith, CEO của Nhà xuất bản Irwin ở New York. Thế là vào tháng 4-2010, ông lại mua được gần nửa triệu cuốn sách với giá rẻ, rồi chuyển từ Mỹ về thư viện IU-VIETNAM 2020 tại Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)...
Tổng số sách TS Võ Tá Hân trao tặng trong năm 2020 là 10.639 cuốn (1.036 đầu sách) do World Scientific tại Singapore xuất bản với tổng trị giá hơn 1,3 triệu USD (tương đương hơn 29 tỷ đồng). Ngày 19-12-2020, tại lễ trao sách cho Trường đại học Vinh (Nghệ An), bà Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Công ty CP Vinafirst, đại diện TS Võ Tá Hân và Quỹ học bổng Võ Tá Hân tại Việt Nam, cho biết: “TS Võ Tá Hân mong muốn thông qua Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh gửi tặng số sách này đến các trường đại học nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy. Đến nay, TS Võ Tá Hân đã trao tặng hơn một triệu quyển sách nghiên cứu cho các trường đại học ở Việt Nam”.
Năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Võ Tá Hân được nhận học bổng USAID du học tại Viện đại học Công nghệ Massachusetts, Mỹ. Năm 1972, ông tốt nghiệp rồi tiếp tục lấy bằng thạc sĩ. Từ năm 1974, ông trở thành chuyên gia ngân hàng quốc tế của Bank of Montreal (Canada). Năm 1986, ông làm việc cho Tập đoàn Hong Leong, tập đoàn thương mại tư nhân lớn nhất Singapore, giữ những chức vụ cao cấp trong các công ty bất động sản, đầu tư khách sạn, công nghệ, tài chính của tập đoàn. Sau đó, ông làm cố vấn cao cấp của ngân hàng UBS AG Thụy Sĩ tại Singapore. Ông cũng là thành viên HĐQT của Đại học UniSIM - Học viện Quản lý Singapore. Năm 2010, ông về hưu, định cư tại Mỹ và tiếp tục công việc giảng dạy.