Học giả M. Durand của Trường Viễn Đông Bác Cổ là chuyên gia nghiên cứu sử học, văn hóa và mỹ thuật. Ông đã để lại nhiều công trình khoa học xuất sắc như “Điện thần và phương thức hầu đồng ở Việt Nam”, “Nhập môn văn học Việt Nam”, “Tri thức về Việt Nam”, “Lịch sử thời Tây Sơn”, “Truyện Nôm Việt Nam”.
Năm 2017, cuốn “Tranh dân gian Việt Nam” của M.Durand được dịch ra tiếng Việt do Trường Viễn Đông Bác Cổ và NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh cùng đứng tên xuất bản, được đón nhận nồng nhiệt, tiếp tục tái bản năm 2020. Tác giả của nó giỏi tiếng Việt, chữ Hán - Nôm, say mê nghiên cứu Việt Nam. Có lẽ vì ông là con nhà nòi. Cha ông là GS Gustave Durand, chuyên gia tiếng Trung Quốc và chữ Hán - Nôm. Còn bởi ông còn có dòng máu Việt trong người. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Binh, người Kiến An, Hải Phòng.
Sinh năm 1914 tại Hà Nội, học Đại học Sorbonne ở Pháp, năm 32 tuổi M. Durand trở lại Việt Nam để dạy học và sau đó làm việc trong Trường Viễn Đông Bác Cổ. Ông đi khắp phố phường Hà Nội và các tỉnh lân cận để sưu tầm tranh dân gian do sớm nhận thấy vẻ đẹp độc đáo của dòng tranh này. Các học giả Pháp như P. Levy, L. Bezacier và các học giả Việt như Trần Văn Giáp, Trần Huy Bá nhiệt tình giúp ông sưu tầm và lưu giữ ở Trường Viễn Đông Bác Cổ. Đó cũng là thời điểm cực thịnh của tranh dân gian. Bộ sưu tập đã được triển lãm tại Hà Nội năm 1949, sau đó tại bảo tàng Guimet, Paris năm 1960.
Viết trong lời mở đầu sách: “Tranh dân gian Việt Nam cho phép chúng ta rút ra được những kết luận về nền tảng văn hóa của người Việt”, ông cho thấy sự nghiên cứu khá kỹ càng các biểu tượng của tranh thông qua các giải mã ngữ nghĩa của chúng. Các dòng ghi chú bằng chữ Hán - Nôm cũng cho thấy người Việt có những ước vọng trong cuộc sống: no đủ, chuộng học hành, sinh hoạt, sản xuất nông thôn và đời sống tín ngưỡng tâm linh. Ông đã phân ra tám loại tranh từ tranh tôn giáo, lịch sử đến tranh chúc tụng, yểm bùa… M.Durand còn nghiên cứu sâu về tâm thức của những người dân quê, vừa là người mua tranh lại vừa là người sản xuất tranh. Mỗi bức tranh được ông khảo tả chi tiết về phong tục, ngữ nghĩa chữ Hán - Nôm trên tranh khá kỹ lưỡng.
Năm 1957, qua cuộc khảo sát ở Hà Nội, M.Durand thấy trong dịp Tết có đến 300 nghìn bức tranh dân gian in giấy gió được bán và 2.000 bộ tranh theo chủ đề từ các anh hùng dân tộc Việt Nam, tín ngưỡng, tranh tứ bình… Số lượng này chỉ chiếm khoảng 1/6 số tranh được làm trong khoảng thời gian từ năm 1940 - 1945. Những bức tranh này dường như không còn được lưu giữ, một phần do chất liệu tranh bằng giấy khó bảo quản, một phần do đến dịp Tết, người chơi lại bỏ tranh cũ mua tranh mới. Lại do nhiều làng làm tranh bị ngập lụt, hủy hoại cả tranh giấy lẫn ván in…
Hiếm có những người nước ngoài nào yêu Việt Nam đến thế! Tác phẩm “Tranh dân gian Việt Nam” đã là món quà vô giá cho di sản văn hóa Việt Nam và thế giới. Viện Hàn Lâm Văn khắc và Văn chương Pháp đã trao giải thưởng cho công trình này. M. Durand qua đời năm 1966, nhưng di sản văn hóa Việt Nam khá đồ sộ của ông và người cha còn được lưu trữ ở ngoài nước Pháp, trong Trường Yale, Mỹ, được đóng vào 121 hộp đựng các ấn phẩm, bản dịch, bản ảnh, bản thảo, vi phim… vô cùng giá trị để tìm hiểu Việt Nam cổ và cận đại mà dường như giới Việt Nam học còn chưa có dịp và điều kiện nghiên cứu kỹ.
Vì nhiều lẽ, cho đến nay, sưu tập tranh của M. Durand đồ sộ nhất, được bảo quản tốt nhất, có nhiều bức tranh cổ mang nhiều giá trị. Ông nhận thấy sức cuốn hút của tranh ở vẻ đẹp mộc mạc, mầu sắc rực rỡ đã cuốn hút người Việt hơn “các tranh Tàu được bán vào dịp Tết cùng với tranh dân gian nhưng không được ưa chuộng như tranh dân gian Việt Nam”.