Năm tấn gạo nhớ đời
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, đầu tháng 4-2020, TP Hồ Chí Minh bước vào giãn cách xã hội. Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty Vũ Trụ Xanh của Tuấn Anh gặp khó khi bao kế hoạch cùng vốn đầu tư vào các chương trình trong quý I bỗng chốc “đổ sông, đổ biển”. Nhìn chung quanh bao người chật vật, anh xót hơn bao giờ hết. Nghĩ mấy ngày liền, Tuấn Anh quyết định thiết kế một ATM gạo để bà con, nhất là công nhân, lao động nghèo có chút lương thực bước qua mùa dịch.
Chiếc ATM gạo đầu tiên thành hình chỉ sau tám giờ thi công. Có máy, Tuấn Anh vội rút tiền túi mua về một tấn gạo. Bạn bè, đồng nghiệp, đối tác nghe đến kế hoạch sẻ chia của chàng giám đốc trẻ liền chung tay. Khi có đủ năm tấn gạo tại kho, anh “hô biến” công ty mình thành điểm phát gạo tự động với mục tiêu ban đầu là phát năm tấn trong 10 ngày. “Buổi sáng đầu tiên, chúng tôi hơi hoang mang vì không ai đến nhận. Lúc đó giãn cách, đường vắng lắm, ai ra ngoài cũng vội vàng. Tôi nói nhân viên chạy ra đường mời: “Ở đây có phát gạo! Anh chị xếp hàng nhận nha!”. Nhiều người dừng lại, ngạc nhiên vì chẳng thấy bao gạo nào, còn trước mặt chỉ là cái ống nhỏ nhưng đưa túi vào thì gạo chảy ra. Hai, ba người tới xếp hàng, rồi càng lúc càng đông dần. Kết thúc đêm đầu tiên, hai tấn gạo đã đến tay bà con”, Tuấn Anh nhớ lại.
Dự kiến mỗi ngày phát 500 kg, vậy mà sau hai ngày, năm tấn gạo trong kho đã sạch. Vì lời hứa phải cho máy hoạt động 10 ngày liên tục, “cha đẻ” ATM gạo vừa mừng, vừa lo. “Đến cuối ngày, tôi thấy đoàn xe chở gạo tới, từ xe máy, xe tải đến siêu xe, dài lắm, không đếm nổi. Gạo có rồi, tôi và nhân viên dốc sức làm thêm máy ATM. Từ chiếc máy to như showroom trong phiên bản đầu, về sau máy chỉ gói gọn trong kích thước 1 m² để có thể di chuyển khắp nơi. Lúc này, chúng tôi đặt ra mục tiêu đạt một triệu lượt người nhận gạo và làm ra 100 máy ATM gạo trong 10 ngày. Áp lực rất lớn nhưng chúng tôi làm được”, Tuấn Anh kể lại.
Từ năm tấn gạo ân tình khi khởi xướng, về sau, Tuấn Anh nhận cả nghìn tấn rồi phân phát khắp TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác. Nhiều doanh nghiệp thấy tính hiệu quả, minh bạch và an toàn của mô hình sẻ chia nhân văn này liền phối hợp. Không lâu sau, 100 ATM gạo đã được rải đều khắp Việt Nam.
Sống để sẻ chia
Ngày xuống xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh dự khai trương ATM gạo miễn phí cuối cùng trong chuỗi hành trình, Tuấn Anh rơi nước mắt khi cách đó không xa là mộ của mẹ anh. “Cảm xúc khó tả lắm! Hồi còn sống, mẹ tôi thương người lắm, thấy ai khó đều giúp. Nhiều người trong số đó sau này quay lại cảm ơn. Tôi biết, mẹ đang bên cạnh mình!”, Tuấn Anh trải lòng.
Anh nói, mình may mắn vì được sự đồng hành của những tấm lòng thơm thảo trong cộng đồng. ATM gạo và sau này là ATM khẩu trang ra đời chỉ để giải cho ra bài toán: Làm sao để việc chia sẻ có hiệu quả, an toàn nhất? Đợt bão lũ ở miền trung, chiếc ATM gạo tặng huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị còn trở thành cầu nối sẻ chia với bà con.
Nhìn lại hành trình từ thiện của mình, Tuấn Anh cho biết khi bắt đầu anh không nghĩ sức lan tỏa của ATM gạo lớn đến vậy. Chương trình kết thúc mấy tháng, vậy mà xuống phố, ra chợ, anh vẫn bắt gặp ánh mắt trìu mến và lời cảm ơn mọi người dành cho mình. “Cha đẻ” ATM gạo nhớ hoài hình ảnh người phụ nữ gầy nhỏ đã đạp quãng đường hơn 20 km từ huyện Nhà Bè sang nhận gạo, hay anh xe ôm công nghệ nhẫn nại xếp hàng đợi tới lượt vì ở nhà mẹ già, con nhỏ đang đợi. “Hành trình ATM gạo mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Nhờ có nó mà tôi nhận ra không nhất thiết phải có nhiều tiền mới làm từ thiện được mà quan trọng là tạo được hiệu ứng từ hiệu quả thực tế. Mình cứ cho đi, cứ giúp người khi có thể rồi niềm vui sẽ đến”…