Câu chuyện sáng lập
Gần tám năm làm trong lĩnh vực may mặc, chị Trần Thị Thanh Loan (sinh năm 1991, quê Quảng Nam) nhận thấy ngành may còn nhiều bước thủ công, đi cùng một số khó khăn ở khâu quản lý sản xuất. Loan ấp ủ ý tưởng với ứng dụng công nghệ làm sao giúp các doanh nghiệp dệt may dễ dàng trong việc quản lý, minh bạch trong quy trình sản xuất, góp phần tiết kiệm được chi phí, giảm tải công việc và nâng cao năng lực sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Loan “rủ” Nguyễn Cửu Long (sinh năm 1994) cùng làm nhiều năm phụ trách tại các xưởng may và Nguyễn Văn Thuật (sinh năm 1991), kỹ sư công nghệ thông tin, cùng đồng hành phát triển dự án Retex, viết tắt có nghĩa là “Cách mạng ngành dệt may”. Theo đó, Retex được thiết kế, xây dựng hoàn toàn trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, giúp cho người dùng có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thiết bị được kết nối internet.
Khi áp dụng số hóa, mỗi chuyền sản xuất sẽ có một máy tính bảng (tablet) cài đặt sẵn ứng dụng Retex. Trên đó, sẽ có các mục nhập nguyên liệu vào, số hàng may được trong buổi, trong ngày. Người phụ trách chỉ cần nhập thông tin vào mục có sẵn trên tab, quản lý sẽ nắm bắt rõ thông tin hiển thị vào hệ thống. Tiến độ làm việc của mỗi chuyền cũng được hiển thị. Khi đơn hàng nhận về, mỗi chuyền sẽ có số lượng hàng cần thực hiện và hoàn thành. Đơn hàng này kết thúc sẽ nhập vào tab để nhận đơn hàng khác. Bộ phận quản lý, giám đốc công ty đều có thể theo dõi tiến độ công việc và vận hành của mỗi phân xưởng qua hệ thống, qua web trên máy tính hoặc app trên điện thoại thông minh.
Mỗi tab được kết nối cùng một màn hình tivi hiển thị tình hình sản xuất. Ngoài ra, tab cũng có phần để xử lý sự cố dành cho công nhân, quản lý xưởng với bốn nội dung: Gọi cơ điện, gọi hỗ trợ kỹ thuật, gọi tổ cắt, gọi tổ trưởng. Khi công nhân làm việc gặp vấn đề gì cần hỗ trợ chỉ cần nhấp vào màn hình tab để thông báo thay vì phải đi tìm hoặc gọi điện như trước.
Hành trình chuyển đổi số
Để hoàn thiện hơn Retex, năm 2019, ba bạn trẻ mang “đứa con” của mình ra Đà Nẵng để tham gia ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Cũng thời điểm đó, Công ty TNHH may Phú Tường (Điện Bàn, Quảng Nam) đồng ý cho dự án được thử nghiệm với tám chuyền may.
Chỉ trong hai tháng, việc chuyển giao gần như hoàn tất khi mọi người đều quen việc số hóa, thêm bốn tháng nữa để “chăm sóc”, Retex đã có thể bảo đảm hoạt động chính xác tại Công ty may Phú Tường. Giám đốc Đinh Duy Phú nhận xét: “Việc áp dụng này tạo sự công bằng cho người lao động khi sản lượng của mỗi người đều được hiển thị, người quản lý cũng giảm được nhiều thời gian hơn, dự đoán được tiến độ công việc để có thể giao hàng đúng hẹn”.
Mang thành công đầu tiên của bước đi khởi nghiệp, Loan và các cộng sự đã đến từng xưởng may khác để thuyết phục chuyển đổi các quy trình truyền thống sang số hóa. “Khó nhất là chuyển giao công nghệ đến với các đơn vị. Mỗi lần như vậy mình và Thuật thường “cắm bản” tại chỗ để giúp công nhân quen việc số hóa trong quy trình làm việc, tầm một tuần mọi người sẽ quen và hai tháng có thể hoàn thành việc chuyển giao”, Nguyễn Cửu Long chia sẻ.
Đến nay, Retex đã triển khai thành công hơn 10 xưởng lớn tại các địa bàn lân cận và đang lên kế hoạch triển khai cho Tập đoàn dệt may Vinatex tại miền trung. Mỗi xưởng may sẽ được cấp một tài khoản riêng để sử dụng, phía ba bạn trẻ sẽ bảo đảm vận hành, bảo trì thường xuyên. Cách làm này sẽ giúp các đơn vị giảm đi chi phí rất nhiều khi ứng dụng số hóa.
“Giấc mơ của bọn mình là hướng đến xây dựng nền tảng ứng dụng chung cho tất cả ngành dệt may tại miền trung cũng như cả nước và sẽ nghiên cứu để phát triển sản phẩm mở rộng sang các ngành sản xuất khác. Tin rằng, Retex sẽ được các đơn vị dệt may chú trọng để tạo ra những bước tiến mới”, Thanh Loan kỳ vọng.