Guồng quay không nghỉ

Trắc trở và khó khăn, trì hoãn và tê liệt, thích ứng và bắt buộc phải thay đổi, nhưng cuối cùng, khi năm 2020 khép lại, Thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn hoàn toàn có thể tự hào, bởi không phải ở đâu trên thế giới, giữa sóng gió bởi đại dịch Covid-19, từ hàng triệu người hâm mộ đến tất cả đội ngũ huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) và các nhà tổ chức cũng vẫn có thể tận hưởng nhiều niềm vui như trên dải đất hình chữ S nhìn ra Biển Đông này. 

Giữa thời điểm dịch, Việt Nam vẫn tổ chức thành công Giải vô địch điền kinh quốc gia 2020. Ảnh: VY VŨ (Congannhandan)
Giữa thời điểm dịch, Việt Nam vẫn tổ chức thành công Giải vô địch điền kinh quốc gia 2020. Ảnh: VY VŨ (Congannhandan)

Những con số biết nói

Chỉ cần nhìn vào những số liệu thống kê, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được trong 12 tháng cực kỳ gian khó vừa qua, TTVN vẫn duy trì được sự ổn định đến mức độ nào. 

Tính đến cuối năm 2020, vẫn có tới 300 giải trong hệ thống thi đấu quốc gia của tất cả các môn diễn ra và khép lại thành công, bất chấp các tác động cũng như hệ quả tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp. Tất cả 45 môn - phân môn thuộc Tổng cục Thể dục - Thể thao đều tổ chức được ít nhất hai giải đấu quan trọng nhất trong năm: Giải vô địch quốc gia và Giải vô địch trẻ quốc gia. Thống kê cho thấy, chỉ trong ba tháng cuối năm, TTVN tổ chức tới 94 giải đấu, với chất lượng đạt tiêu chuẩn mọi mặt. Thông qua những giải đấu này, không chỉ đội ngũ HLV - VĐV được củng cố và tăng cường động lực, mà tiến trình đánh giá thực lực cũng như tuyển chọn lực lượng cho SEA Games 31, mục tiêu hàng đầu sẽ được tổ chức trong năm 2021 trên sân nhà vẫn được thực hiện theo tiến độ. 

Ngày 23-5, tại sân Thiên Trường, CLB Nam Định tiếp đối thủ Hoàng Anh Gia Lai, trong khuôn khổ Cúp bóng đá quốc gia. Đây chính là trận đấu đầu tiên trên thế giới vào thời điểm đó cho phép khán giả vào sân cổ vũ, sau quãng thời gian khá dài do dịch bệnh chia cách các cầu thủ với người hâm mộ. Kể từ đó, các sân vận động ở Việt Nam vẫn luôn đông khán giả mỗi cuối tuần. 

Guồng quay không nghỉ -0
Cầu thủ và khán giả vẫn ra sân ở các giải bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: LÊ MINH 

Linh hoạt và uyển chuyển

Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước, hình ảnh sân vận động Việt Nam đông khán giả khiến cả thế giới phải “ghen tị” với bóng đá Việt Nam nói riêng và TTVN nói chung vào thời điểm đó. Song, họ không hình dung được rằng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã ba lần phải hoãn vì dịch Covid-19. Có thời điểm, các nhà tổ chức đã cân nhắc tới việc phải tuyên bố hủy giải. Thế nhưng, bóng đá vẫn trở lại và các môn khác cũng vậy.

Tại Giải vô địch điền kinh quốc gia 2020, Nguyễn Thị Oanh đã gây sốc khi đoạt tới bốn Huy chương vàng (HCV), trong đó phá cả kỷ lục tồn tại 16 năm ở nội dung khắc nghiệt nhất là 10.000 m. Bên cạnh Oanh, những Quách Thị Lan, Ngần Ngọc Nghĩa và nhiều trụ cột khác cũng đạt được những thành tích đột phá. Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy nhận xét: “Năm 2020, các VĐV gần như phải tập “chay”, không có chuyên gia nước ngoài. Việc giải điền kinh VĐQG có ba kỷ lục và thành tích các VĐV khá cao cho thấy tất cả đã biết cách vượt khó để hoàn thành mục tiêu”.

Giải vô địch bắn súng quốc gia cũng xác lập tới tám kỷ lục. Đó là một kỳ tích, bởi các tuyển thủ bắn súng vẫn còn đang phải tập luyện với thiếu thốn tứ bề. Song, bằng tất cả ý chí, khát khao và nghị lực, thậm chí đội tuyển bắn súng quốc gia còn tổ chức được một giải thi đấu quốc tế trực tuyến, thông qua các công cụ sử dụng internet. 

Guồng quay không nghỉ -0
Giải vô địch bắn súng quốc gia 2020. Ảnh: QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN 

Bên cạnh bắn súng, đội tuyển biểu diễn quyền thuật taekwondo cũng xuất sắc giành hai HCV tại Giải vô địch châu Á, được tổ chức online. Tập huấn từ xa qua mạng cũng là phương thức giúp duy trì tập luyện và phong độ cho các “kình ngư” thuộc đội tuyển bơi lội, khi họ không thể xuất ngoại, cũng không thể có HLV nước ngoài. Đơn cử, tám tháng liền, Huy Hoàng và Hưng Nguyên nhận chương trình tập luyện mỗi buổi sáng qua thư điện tử, rồi xuống bể khi vẫn bật máy quay để chuyên gia giám sát và cuối ngày lại rút kinh nghiệm qua… thư điện tử.

Nhiều môn khác, các nhà tổ chức cũng nhanh chóng điều chỉnh phương thức tập luyện và thi đấu gắn với đặc thù và thực tế cụ thể. Giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA tiến hành thi đấu tập trung tại một địa điểm duy nhất trong 50 ngày. Giải cờ vua toàn quốc chỉ đấu nội dung cờ nhanh và cờ chớp, bỏ qua cờ tiêu chuẩn, hay giải taekwondo trẻ toàn quốc, các đoàn đều chấp nhận thi đấu ngày cuối đến quá 12 giờ đêm để kịp hoàn thành chương trình sớm hơn dự kiến…

Nhờ tất cả những nỗ lực và sáng tạo đó, cuối cùng, 2020 vẫn là một năm thành công của TTVN, để vững tin hướng đến SEA Games và cả Thế vận hội Tokyo.