Rà soát, bổ sung quy hoạch xử lý rác thải

Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, gồm 17 khu xử lý chất thải, trong đó thành phố nâng cấp, mở rộng tám khu hiện có và đầu tư mới chín khu với công nghệ xử lý hiện đại. Nhưng đến nay nhiều dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến việc xử lý rác thải trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy điện rác Sóc Sơn. (Ảnh LÐ)
Nhà máy điện rác Sóc Sơn. (Ảnh LÐ)

Theo quy hoạch, các khu xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội được chia thành ba vùng, gồm phía bắc, nam và tây. Vùng một (phía bắc thành phố) có khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn hoạt động từ năm 1999, hiện xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt rác phát điện tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn, đang triển khai giai đoạn ba. Vùng hai (phía nam thành phố) hiện không có khu xử lý rác hoạt động. Ðối với khu xử lý chất thải rắn Châu Can, huyện Phú Xuyên, Ủy ban nhân dân thành phố vừa quyết định chấm dứt chủ trương đầu tư dự án cũ, chỉ đạo nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án mới.

Tại vùng ba (phía tây thành phố) có khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đang hoạt động, tiếp nhận xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp và đang triển khai Dự án Nhà máy điện rác Se-ra-phin. Dự án nhà máy xử lý rác thu hồi điện và dự án nhà máy khí hóa rác thải phát điện tại đây cũng vừa bị Ủy ban nhân dân thành phố quyết định dừng chủ trương đầu tư, do chủ đầu tư chậm triển khai. Còn khu xử lý chất thải rác Ðồng Ké, huyện Chương Mỹ đang gặp vướng mắc về giải phóng tuyến đường vào do người dân không ủng hộ dự án. Tại Khu xử lý chất thải rác Núi Thoong, nhà máy xử lý rác phát điện dự kiến được khởi công trong quý IV/2023. Ba dự án khu xử lý rác ở huyện Ðan Phượng, Lại Thượng (huyện Thạch Thất), Tây Ðằng (huyện Ba Vì) có công suất nhỏ. Trong đó nhà máy tại Ðan Phượng đã đầu tư, nhưng sử dụng công nghệ cũ, đang dừng hoạt động. Các khu xử lý rác Lại Thượng, Tây Ðằng có diện tích và công suất nhỏ, không được người dân đồng tình, cho nên khó triển khai.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân thành phố, công tác giải phóng mặt bằng các vị trí theo quy hoạch để kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ hiện đại rất chậm trễ. Việc giải phóng mặt bằng mở rộng, bảo đảm an toàn cho các khu xử lý rác hiện có cũng gặp nhiều vướng mắc và chậm trễ. Các dự án đầu tư khu xử lý, nhà máy xử lý rác thải cũng chưa hiệu quả và chậm tiến độ. Chủ đầu tư lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp. Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành tích hợp các nội dung đề xuất điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn trong quá trình điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Ngày 5/7, tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 16, trả lời chất vấn của đại biểu liên quan quy hoạch dự án xử lý rác thải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Ðông cho biết, lượng rác thải phát sinh hằng ngày của thành phố khoảng 7.000 tấn, trong đó Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã tiếp nhận xử lý khoảng 3.000 tấn/ngày đêm, còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý rác thải Nam Sơn; Nhà máy điện rác Se-ra-phin dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2024 với công suất khoảng 2.000 tấn/ngày đêm, sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý rác trên địa bàn thành phố. Riêng Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, thuộc vùng hai, Ủy ban nhân dân thành phố đã có quyết định dừng hoạt động từ tháng 1/2023. Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất dự án, hình thức đầu tư, vốn, giải pháp công nghệ và địa điểm cho nhà máy điện rác, bảo đảm công suất 1.000 tấn/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu xử lý rác của thành phố, tránh tình trạng chôn lấp ở các khu vực lân cận.

Trả lời chất vấn về hoạt động của dự án Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch đang lập kế hoạch điều chỉnh vì quy hoạch ngành sẽ phải tích hợp vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới năm 2030, tầm nhìn năm 2050, dự kiến sẽ trình phê duyệt cuối năm 2023. Từ đó, các địa điểm quy hoạch cụ thể, công suất của các khu xử lý rác tiếp theo ở khu vực phía tây và phía nam của thành phố được thực hiện theo quy hoạch.