Hơn một năm qua, hàng chục nghìn hình ảnh ghi lại hoạt động của các bạn trẻ giúp đỡ người già khi tham gia giao thông, thanh niên hiến máu tình nguyện, hay những trường hợp một số người đổ rác ra nơi công cộng, vi phạm trật tự an toàn giao thông... đều được các bạn trẻ trong đội hình "Camera 360 trẻ" của đoàn thanh niên các cấp ghi lại. Những hình ảnh đó được tuyên truyền trên các kênh thông tin khác nhau, trong đó có mạng xã hội, góp phần tuyên truyền những nét văn hóa ứng xử đẹp trong cộng đồng và phê phán những hành vi chưa đẹp trong ứng xử. Đội hình "Camera 360 trẻ" do Thành đoàn Hà Nội thành lập từ tháng 2-2017. Tiếp đó, tất cả các quận, huyện trên địa bàn tổ chức đội hình này. Quận Ba Đình có 14 đội hình thuộc 14 phường và 10 đội hình thuộc các trường học với hàng trăm thành viên. Ống kính của các bạn trẻ tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Trật tự văn minh đô thị; vệ sinh môi trường; vệ sinh, an toàn thực phẩm; quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Tháng 8-2009, Thành đoàn đã phát động phong trào "Tôi yêu Hà Nội" với ba nội dung: Xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội; chung tay xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp; tham gia bảo đảm an toàn giao thông, xung kích giữ gìn văn minh đô thị. Nhận thấy sức hút, tác dụng to lớn của phong trào này, Thành đoàn Hà Nội đã tiếp tục duy trì, mỗi năm lại chọn những chủ đề thích hợp để phù hợp với nhiệm vụ chính trị. Năm 2018, phong trào Tôi yêu Hà Nội có ba nội dung chính: Hà Nội xanh, Hà Nội văn minh, Hà Nội văn hiến. Cùng với đội hình "Camera 360 trẻ", phong trào còn nhiều hoạt động khác như thanh niên tham gia giữ gìn trật tự, giao thông; bóc xóa biển quảng cáo, rao vặt; giữ gìn vệ sinh các tuyến phố. Nổi bật trong số đó là xây dựng tuyến phố "hai không": không rác, không quảng cáo sai quy định của Quận đoàn Hai Bà Trưng. Quận đoàn kết hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh quận xây dựng tuyến phố Bà Triệu là tuyến phố điểm của chương trình "hai không". Nhờ tích cực vận động nhân dân, bố trí lực lượng hướng dẫn người tham gia giao thông, bóc xóa quảng cáo rao vặt... Phố Bà Triệu đã trở thành một tuyến phố sạch, đẹp.
Đối với nội dung "Hà Nội xanh", Thành đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp triển khai mô hình "Biến điểm tập kết rác tự phát thành vườn hoa", xây dựng những "Vườn hoa thanh niên". Nhiều tụ điểm rác thải được xóa bỏ như vườn hoa số 3 Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), Vườn hoa thanh niên nhỏ xinh ở ngõ 167 Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Vườn hoa không chỉ mang tới ý nghĩa là làm đẹp phố phường, tạo cảnh quan thiên nhiên gần gũi mà còn tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Trên địa bàn thành phố hiện nay có hơn 200 vườn hoa. Thành đoàn Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 500 vườn hoa. Ngoài ra, còn có các phong trào: Ngày Chủ nhật xanh, Hàng cây thanh niên... Hiện, đoàn thanh niên các cấp đảm nhận trồng, chăm sóc 23 nghìn cây xanh.
Đối với nội dung "Hà Nội văn hiến", Thành đoàn phối hợp Sở Du lịch tổ chức các đội tuyên truyền văn hóa, lịch sử, hướng dẫn khách tham quan thực hiện ứng xử văn minh tại các điểm di tích, du lịch quan trọng như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực hồ Hoàn Kiếm... Hoạt động của các bạn thanh niên tình nguyện tại đây giúp cho khách tham quan hiểu thêm về lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Qua 10 năm thực hiện, phong trào Tôi yêu Hà Nội đã đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt đời sống xã hội. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới, Thành Đoàn tiếp tục đề xuất các giải pháp góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào Tôi yêu Hà Nội, để từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.