Năm 2023, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt gần 580 triệu đồng. Năm nay, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp lên từ 590 triệu-650 triệu đồng/ha, tức tăng từ 10 triệu-70 triệu đồng/ha.
Xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Hoa lan Dendrobium là một trong những loại lan có giá trị kinh tế cao, được nhiều người ưa chuộng, có tiềm năng phát triển lớn. Tuy nhiên, để trồng và chăm sóc hoa lan Dendrobium đạt năng suất và chất lượng cao, người trồng cần có kỹ thuật chuyên môn tốt. Việc chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất hoa lan Dendrobium là một giải pháp quan trọng để trồng loại lan này đạt năng suất, chất lượng cao, giảm thiểu chi phí sản xuất.
Hợp tác xã nông nghiệp Vườn Lan Việt, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, dựa trên sự liên kết, hợp tác với các đơn vị trong chuỗi giá trị hoa lan Dendrobium, mang lại giá trị cao.
Bà Liêu Thị Kim Phượng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vườn Lan Việt cho biết: Mô hình liên kết, hợp tác của Hợp tác xã gồm bốn thành phần chính: Cơ sở sản xuất cây giống nuôi cấy mô hoa lan; vườn sản xuất cây giống hoa lan Dendrobium từ chai mô; vườn sản xuất hoa, cây hoa lan Dendrobium; cửa hàng liên kết, phân phối giỏ hoa lan Dendrobium quà tặng. Mô hình liên kết, hợp tác là một giải pháp hiệu quả giúp Vườn Lan Việt nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời được các nhà vườn, doanh nghiệp và nông dân đánh giá cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngành hoa lan Dendrobium tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Nhờ đó, GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 ước đạt 8.190 tỷ đồng, tăng 1,53%; giá trị sản xuất bình quân trên đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 579 triệu đồng/ha, tăng 1,57% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng khoảng 73% so với tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố tiếp tục tăng trưởng, như: Rau các loại ước đạt 627.053 tấn, tăng 3,2%; sản lượng hoa, cây kiểng tăng 8,5%; sản lượng tôm nước lợ đạt 10.350 tấn, tăng 8,8%; sản lượng cá cảnh ước đạt 110 triệu con, tăng 17,3% so với năm 2022.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 164 hợp tác xã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 97 hợp tác xã đang hoạt động, với tổng số 2.279 thành viên, bình quân 24 thành viên/hợp tác xã; tổng vốn điều lệ 405 tỷ đồng, bình quân gần 4,2 tỷ đồng/hợp tác xã. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng có 414 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 6.610 tổ viên.
Tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị chia cắt, manh mún, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực còn thiếu. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn một số bất cập, nhất là thủ tục tiếp cận lãi vay chưa được thông thoáng. Công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn quy mô nhỏ, vai trò trung tâm liên kết vùng chưa được phát huy hiệu quả cao; liên kết sản xuất-tiêu thụ, kinh tế tập thể, trang trại, doanh nghiệp trong nông nghiệp chậm phát triển… là những trở ngại cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ngành nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, thành phố tiếp tục nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất, hướng đến trở thành một trong những đô thị hàng đầu châu Á đạt trình độ tiên tiến về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Ngành nông nghiệp thành phố cũng thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế mới thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Kinh tế nông nghiệp số, kinh tế nông nghiệp chia sẻ, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn... Đây là những mô hình góp phần chuyển dịch kinh tế thành phố theo hướng hiện đại và bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tăng cường triển khai hiệu quả chương trình, bộ tiêu chí nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa ở các vùng nông thôn thành phố; xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh và nông thôn mới thương mại điện tử. Theo đó, sở phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Năm 2024, ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu: Tốc độ tăng GRDP từ 1-1,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 1-1,5%; giá trị sản xuất nông nghiệp từ 590 triệu-650 triệu đồng/ha. Ngành phấn đấu xây dựng diện tích trồng rau có chứng nhận VietGAP đạt 500 ha; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 45-48% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thành phố…