Dù khung giờ các chuyến tàu lăn bánh không cơ động như ô-tô, xe máy, nhưng đổi lại hành khách thoát cảnh kẹt xe, nắng mưa, an toàn khi di chuyển, thế nên đây đang trở thành một xu hướng dịch chuyển mới mẻ.
"Xình xịch" trải nghiệm…
Chọn chuyến tàu khởi hành từ ga Sài Gòn đi ga Dĩ An (Bình Dương) lúc 6 giờ 30 phút sáng chủ nhật, đôi vợ chồng trẻ Bích An-Thanh Hùng cùng đứa con trai háo hức lên tàu ngồi chờ tàu lăn bánh (tàu SPT2 từ Sài Gòn đi Phan Thiết).
Tàu rời ga, Bích An chỉ tay qua ô cửa kính trò chuyện cùng con về điểm đến cũng chính là nơi ở thứ hai của gia đình tại một căn hộ mới mua tại thành phố Dĩ An, như để cậu bé vui hơn vì phải thức dậy sớm. An cho hay, thi thoảng vào cuối tuần cả ba thành viên đón ta-xi xuống căn hộ chơi, nghỉ ngơi hoặc đi loanh quanh Bình Dương rồi chiều lại về Thành phố Hồ Chí Minh. Chi phí cho chuyến đi khứ hồi này hết khoảng gần 1 triệu đồng, được cái thích là chủ động được giờ giấc, đi về khi nào gọi xe khi đó.
"Nếu đi tàu lửa, cho cung đường 20 km từ ga Sài Gòn đến ga Dĩ An chỉ mất 35.000 đồng/vé, mỗi tội tàu lửa phải lên xuống ga đúng giờ, cho nên cần thu xếp trước. Ði tàu thì nắng mưa không ngại, cũng không phải lo kẹt xe như chạy xe máy hoặc đi ô-tô", Hùng - chồng An chia sẻ và tỏ ra khá thích thú khi lần đầu đi thử chuyến tàu này.
Một công đôi việc, hai vợ chồng cũng xem đây như một dịp cho con trải nghiệm cùng bố mẹ... Ðồng hồ lúc này là 7 giờ, câu chuyện giữa chúng tôi cũng kết thúc chóng vánh vì nhân viên nhắc hành khách tàu đã đến ga Dĩ An, hành trình vỏn vẹn chỉ 30 phút kể từ khi rời ga Sài Gòn.
Kế bên, toa tàu số 7, nhóm bạn gồm bốn người chọn điểm đến là ga Biên Hòa để dự đám cưới người thân trong nhóm ngay tại thành phố Biên Hòa. Huyền, một hành khách trong số này kể: "Tôi nhận thiệp cưới của đứa cháu người bạn làm chung công ty và cả bốn chọn đi đám cưới bằng tàu lửa. Ai nghe cũng có vẻ lạ đời nhưng đi tàu lửa bây giờ khác trước rất nhiều, chỗ ngồi thoải mái, được phục vụ ăn uống nhẹ, quan trọng là giá vé rẻ. Dự đám cưới xong chiều lại ra ga trở về Thành phố Hồ Chí Minh".
Không chỉ chọn tàu lửa để đi du lịch, ngắm cảnh, nhiều năm nay, người đi tàu lửa cho cự ly ngắn là dân văn phòng, kể cả sinh viên vì giờ đây chỗ ở và nơi làm việc không hẳn phải cùng một địa phương bởi thói quen làm việc online, học tập trực tuyến đã giúp rút ngắn khoảng cách về địa lý. Quan trọng hơn là họ có thể chọn hình thức di chuyển sao cho tiện lợi, ít tốn thời gian mà chi phí hợp lý: xe ô-tô, tàu lửa, phương tiện cá nhân nếu muốn.
Giá rẻ, tiện nghi, đúng giờ
Nguyễn Văn Ân, nhân viên giao dịch tại một công ty chuyên về xuất khẩu nông sản đóng tại Quận 10 cho biết, hai năm trở lại đây anh thay đổi thói quen đi lại từ xe máy qua tàu lửa từ nhà đến nơi làm việc khoảng 25 km. Do công việc của Ân có thể xử lý từ xa cho nên một tuần anh chỉ lên thành phố ba ngày bằng tàu lửa, còn lại Ân xử lý công việc tại nhà hoặc ra cảng làm thủ tục.
"Có hôm tôi đi xe máy bị ùn tắc ngay chợ Thủ Ðức vì ngập nước, thế là gần 20 giờ tôi mới về đến nhà trong khi nếu đón xe công nghệ từ công ty ra ga Sài Gòn chỉ mất 10 phút, mua vé rồi lên tàu, chợp mắt gần 1 giờ là đã đến ga Biên Hòa. Tôi đi thêm một tuyến xe buýt chừng 15 phút từ ga về thẳng nhà ở cầu Hóa An", Ân lý giải nguyên nhân mình chọn dịch chuyển cùng tàu lửa thời gian gần đây vì giá rẻ, thuận tiện.
Theo ga Sài Gòn, nếu không phải là dịp cao điểm lễ, Tết, mỗi ngày có 6 chuyến tàu (5 chuyến tàu thống nhất và 1 chuyến tàu du lịch) xuất phát từ ga Sài Gòn dừng đỗ tại các ga Dĩ An, Bình Dương, Long Khánh là những ga lân cận với Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng cách từ 20 đến 70 km, thời gian đi lại chỉ mất 30 phút hoặc 60 phút tùy cự ly. Ðể đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của số đông hành khách, nhiều năm nay ga Sài Gòn còn tổ chức dịch vụ chuyên chở xe máy trên toa riêng nối vào toa khách đến ga Phan Thiết (Bình Thuận), tạo thuận lợi cho việc đi lại vui chơi.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: Thống kê thông tin hành khách trên vé cho thấy, sinh viên, nhân viên, thế hệ trẻ nói chung đang có xu hướng sử dụng phương tiện tàu hỏa để đi lại cũng như thăm thú kết hợp du lịch trên những chặng đường ngắn từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Dĩ An, Biên Hòa, Long Khánh và ngược lại. Ðây cũng là xu hướng mới mẻ hình thành từ sau dịch Covid-19, khi nhiều người trẻ hình thành thói quen làm việc trực tuyến, từ đó cách xử lý công việc và điều kiện đi lại cũng thay đổi so với trước. Một ưu thế của phương tiện đường sắt so với đường bộ là cung đường tàu đi qua ít bị ảnh hưởng ùn tắc giao thông, kẹt xe giờ tan tầm và giờ giấc đến các ga cũng tương đối chuẩn. Thống kê của Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, trong 10 tháng năm 2024 đã có 146.000 lượt hành khách đi lại bằng tàu lửa tại các ga Dĩ An, Ðồng Nai, Long Khánh đến ga Sài Gòn và ngược lại (tăng khoảng 40% so với cả năm 2023). Trong đó, lượng khách đi và đến ga Biên Hòa chiếm gần 90% tổng số hành khách so với các địa phương lân cận với Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, điều làm hành khách có cái nhìn khác hơn trước là ngành đường sắt đã ưu tiên đầu tư cải tạo phòng đợi tàu tại các ga, góp phần làm cơ sở hạ tầng khang trang sạch đẹp hơn. Trang thiết bị, dịch vụ trên hầu hết các đoàn tàu như chăn ga, gối nệm, buồng vệ sinh... có chất lượng cao và hiện đại; gần đây các đoàn tàu còn tổ chức bán thức ăn, hoa quả theo vùng miền, thức uống qua app bán hàng trên tàu nên hành khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn và trải nghiệm trong quá trình đi tàu.
Sự thay đổi về chất lượng dịch vụ, đầu tư hạ tầng của ngành đường sắt chính là đáp ứng kỳ vọng của hành khách, góp phần hình thành thói quen đi lại của một bộ phận người dân, trong đó có giới trẻ khi lựa chọn tàu lửa làm phương tiện đi lại.