Học sử ở bảo tàng

Nghe thuyết minh, nhìn hiện vật, gặp gỡ các nhân chứng… việc đến bảo tàng tìm hiểu về lịch sử dân tộc khiến nhiều học sinh, sinh viên cảm thấy thích thú. Các bảo tàng lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với hệ thống cơ sở giáo dục tổ chức nhiều tiết học ngoài nhà trường, giúp thế hệ trẻ tiếp cận lịch sử theo hướng sinh động, hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm sinh viên Trường đại học Sài Gòn tìm hiểu thông tin tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm sinh viên Trường đại học Sài Gòn tìm hiểu thông tin tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết thúc chương trình chính khóa môn Khảo cổ học, Trương Thị Như Ngọc (sinh viên Khoa Sư phạm Lịch sử, Trường đại học Sài Gòn) cùng các bạn trong lớp được giảng viên gợi ý đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, lấy chất liệu làm bài thu hoạch.

Sau hơn một tiếng đồng hồ tìm hiểu tại các phòng trưng bày với phần hướng dẫn, giới thiệu từ thuyết minh viên, Ngọc có cái nhìn chi tiết hơn về các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Việc tận mắt quan sát hiện vật, thu thập thêm thông tin liên quan đến từng thời kỳ lịch sử tại bảo tàng giúp Ngọc bổ sung kiến thức. Cả nhóm ai cũng hào hứng bởi bảo tàng có quá nhiều hiện vật, tài liệu và câu chuyện hay về lịch sử. Ngọc và các bạn dùng điện thoại chụp hình, quay lại vài video ấn tượng làm tư liệu cho bài báo cáo. Hoàn thành chuyến đi, nhóm của Ngọc chưa vội quay về mà tập trung tại khuôn viên bảo tàng, cùng nhau tổng kết lại những kiến thức đã tích lũy được trong suốt quá trình tham quan đầy bất ngờ và thú vị. Kiểm tra lại số hình ảnh trong điện thoại di động, Ngọc vui vẻ cho biết, đã đủ chất liệu để hoàn thành bài thu hoạch chất lượng. “Trước khi đến bảo tàng, thầy dặn em và các bạn phải tìm hiểu thật kỹ thông tin các phòng trưng bày và ghi chép, chụp lại những nội dung quan trọng. Chuyến đi thật ý nghĩa khi giúp em cùng bạn bè có cơ hội đào sâu kiến thức đã học tại trường, học thêm những điều chưa thấy trên sách vở. Khi đến đây nghe thuyết minh, xem hiện vật, em có thể nhớ lại những bài đã học và hiểu thêm về các sự kiện”, Ngọc phấn khởi cho hay.

Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu bộ sưu tập chọn lọc từ hơn 43.000 tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó, có 12 bảo vật quốc gia. Bảo tàng gồm 18 phòng trưng bày, được chia theo hai phần, gồm: Lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử (cách nay khoảng 500.000 năm) cho đến hết thời nhà Nguyễn (1945), Chuyên đề về văn hóa phía nam Việt Nam và một số nước châu Á. Bên cạnh việc trưng bày hiện vật, tài liệu quý về lịch sử-văn hóa, tổ chức các triển lãm chuyên ngành, bảo tàng còn mời các trường học trên địa bàn thành phố triển khai những tiết học ngoại khóa theo nhiều chuyên đề khác nhau.

Chương trình “Giờ học sử tại bảo tàng” sau hơn mười năm triển khai vẫn thu hút sự quan tâm của các trường. Đây là chương trình được thiết kế nhằm giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc thông qua các tư liệu, hiện vật trưng bày trong bảo tàng gắn với chuyện kể về các danh nhân, danh tướng, những chiến công vẻ vang, những điều thú vị về các nền văn hóa độc đáo. “Tham gia chương trình này, các trường đưa tiết học Lịch sử sang dạy tại bảo tàng thay vì ở lớp. Sau khi giáo viên hướng dẫn phần lý thuyết, thuyết minh viên của bảo tàng sẽ giới thiệu những hiện vật cụ thể dựa theo giáo án của người dạy. Học bằng hiện vật, tư liệu từ bảo tàng khiến môn Lịch sử trở nên sống động, dễ nhớ hơn. Hiện tại, mỗi tuần chúng tôi đều đón nhiều đoàn học sinh, sinh viên từ các trường đến học tập tại bảo tàng”, bà Trần Thị Ngọc Lan, Phòng Trưng bày-Giáo dục-Truyền thông, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định cũng là điểm đến được nhiều học sinh, sinh viên thành phố chọn lựa trong quá trình tìm hiểu về lịch sử nước nhà. Nơi đây hiện trưng bày hơn 300 hiện vật như vũ khí, bom đạn, xe cộ, vật dụng sinh hoạt, thiết bị thông tin liên lạc... mà lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định từng sử dụng trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Đi kèm là hình ảnh một số cuộc tập kích của lực lượng biệt động Sài Gòn ngày ấy. Bảo tàng còn ứng dụng công nghệ để gia tăng quy mô tương tác, thêm cơ hội tìm hiểu thông tin cho du khách. Phục dựng hình ảnh các anh hùng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, trình bày ngắn gọn những trận đánh của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định trên các máy trình chiếu hiện đại, đưa vào sử dụng phòng chiếu phim tư liệu bằng công nghệ… là những giải pháp bảo tàng đã triển khai nhằm cung cấp câu chuyện lịch sử theo hướng sống động, gần gũi nhất.

Tổng Giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định Trần Trọng Nghĩa cho biết: Bảo tàng có thiết kế sẵn nhiều chương trình tham quan theo nhu cầu của học sinh, sinh viên nhằm phục vụ tốt hơn mong muốn tìm hiểu sâu về lịch sử của nhóm đối tượng này.

Bên cạnh việc thay đổi kịch bản thuyết minh sao cho phù hợp với giới trẻ, vào các dịp lễ lớn, bảo tàng còn mời các nhân chứng lịch sử đến giao lưu với khách tham quan. Chính những câu chuyện “người thật, việc thật” đã giúp không ít bạn trẻ thêm hiểu, thêm yêu lịch sử nước nhà. Anh Nghĩa cho biết: Trong thời gian tới, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định sẽ tăng cường phần thuyết minh, chia sẻ câu chuyện của các nhân chứng lịch sử; đồng thời, tăng thời lượng hỏi-đáp để khách tham quan nắm rõ hơn các nội dung cần thiết.

Cùng với đó, là việc tăng cường giải pháp công nghệ giúp khách hoàn toàn chủ động trong quá trình tìm hiểu thông tin tại bảo tàng thay vì phụ thuộc vào thuyết minh viên. Bảo tàng sẽ có thêm những trò chơi nhập vai hay phần tương tác trên không gian ảo, đưa khách tham quan vào chính câu chuyện lịch sử.