Người tiêu dùng hiện nay nhận thức khá tích cực về những lợi ích mà tiêu dùng xanh mang lại. Tuy nhiên, từ ý thức tới hành động vẫn còn một khoảng cách khá lớn, điều này thể hiện qua mức độ ưu tiên của người tiêu dùng đối với tiêu dùng xanh còn hạn chế.
Xu hướng tất yếu và ngày càng trở nên phổ biến
Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, phổ biến tại các nước phát triển và lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên.
Ở Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với các hoạt động liên quan quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tiêu dùng xanh đang gặp phải không ít những rào cản và thách thức.
Theo kết quả khảo sát "Nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh 2024" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mới vừa công bố cho thấy, lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.
Bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá "tối mầu". Ngay tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng tỷ lệ người tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng từ 12-18%.
Ông Nguyễn Văn Phượng, Phụ trách điều tra thị trường, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Theo kết quả khảo sát, người tiêu dùng trong nước hiện nay có nhận thức và thái độ khá tích cực đối với tiêu dùng xanh, hầu hết người tiêu dùng biết đến khái niệm tiêu dùng xanh và nhận thức khá tích cực về những lợi ích mà tiêu dùng xanh mang lại.
Ðộng lực chính thúc đẩy người tiêu dùng sản phẩm xanh là tốt cho sức khỏe, giảm tác hại môi trường. Ngoài ra là các yếu tố bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao ý thức cộng đồng. Tiêu dùng có trách nhiệm cũng là những nhân tố tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng xanh.
Rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao, chiếm đến 78% số người được khảo sát, kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, sự phàn nàn của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường (18% số người tiêu dùng cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ).
Rào cản cuối cùng phải kể đến là nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, nhất là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế.
Động lực để thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững
Sự sẵn có của sản phẩm xanh, những thay đổi từ cộng đồng xã hội, và giá sản phẩm xanh là ba yếu tố vừa có tác động gián tiếp, vừa có tác động trực tiếp tới hành vi tiêu dùng xanh của người tiêu dùng. Trong đó, những thay đổi từ cộng đồng xã hội có tác động tích cực, là động lực thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh.
Ông Nguyễn Văn Phượng cho biết thêm, tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu và sẽ ngày càng trở nên phổ biến, kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng xanh cho thấy có 59% số người tiêu dùng cho biết họ sẽ gia tăng sử dụng sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh trong thời gian tới, đồng thời sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau. Vì vậy, nếu có lực lượng đông đảo người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm xanh, sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn, thì sản xuất xanh và tiêu dùng xanh hứa hẹn có dư địa phát triển. Khi sức tiêu thụ của sản phẩm xanh tốt hơn và sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng xanh sẽ là động lực để thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững.
Ðể thúc đẩy tiêu dùng xanh, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan liên quan cần hoàn thiện các quy định pháp lý, xây dựng các tiêu chuẩn về môi trường đối với sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh, thực hành xanh. Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường sản xuất các sản phẩm xanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch.
Cần xác định các ngành, các lĩnh vực trọng tâm có khả năng phát triển sản phẩm xanh nhằm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm mà hiện nay Việt Nam có thế mạnh. Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh như hỗ trợ vốn đầu tư phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh gắn với các chương trình hỗ trợ cụ thể.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần chủ động, kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý chất thải và tái chế theo hình thức hợp tác công tư, có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải và tái chế để hướng đến sản xuất xanh.
Doanh nghiệp cần chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất; áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất bền vững để giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng và ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường...