Vun đắp tình yêu sách trong thế hệ trẻ

Từ xưa đến nay, tinh thần hiếu học, họp tập suốt đời chính là động lực giúp mỗi cá nhân phát triển. Trong đó, sách không chỉ là người bạn mà còn mang cả sứ mệnh của một người thầy, giúp các bạn trẻ mở cánh cửa tri thức.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình giao lưu “Sách và sứ mệnh người thầy” tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình giao lưu “Sách và sứ mệnh người thầy” tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong chương trình giao lưu “Sách và sứ mệnh người thầy” do Sbooks tổ chức tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, các diễn giả tham gia sự kiện đều khẳng định vai trò quan trọng của sách đối với quá trình phát triển của mỗi người, nhất là các em học sinh. Việc xây dựng cho học sinh tinh thần học tập suốt đời, thói quen đọc sách đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Mỗi khoảnh khắc đều quý giá

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, thành viên nhóm biên soạn sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên Tiếng Việt 2 và Tiếng Việt 3, Nhà Xuất bản Giáo dục (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Trong suốt 20 năm gắn bó với công việc giảng dạy, theo chị sứ mệnh nhà giáo thật ra vô cùng đơn giản. Đó là, hãy làm cho mỗi khoảnh khắc học sinh ở lớp với thầy, cô trở thành những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của các em. “Chúng ta quý tất cả những giây phút mà chúng ta có mặt, chúng ta hiện diện trong cuộc đời của học sinh. Học sinh có thể đi với chúng ta một tháng, hay 5 năm, mỗi khoảnh khắc, thời gian đó đều rất quý giá và chúng ta phải biến các khoảnh khắc đó trở nên có ý nghĩa”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, mỗi khi đến vùng sâu, vùng xa, chị thường được nghe nhiều giáo viên nói về những khó khăn trong việc duy trì sự hứng thú hoặc tạo được động lực đến trường của học sinh. Trước thực trạng của đồng nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ: Thay vì thầy, cô lo lắng đến việc phải phân tích cho cha mẹ học sinh và học sinh thấy được vòng luẩn quẩn của việc thất học, trước tiên, thầy cô hãy tập trung vào khoảnh khắc của hiện tại. Thầy cô phải tạo ra những tiết học sinh động, ý nghĩa trong những giây phút đứng trên bục giảng để các em học sinh cảm thấy thích thú và cảm nhận được “đến trường là một niềm vui”.

Đại sứ Văn hóa đọc, nhà báo Trung Nghĩa cho rằng: “Việc chia sẻ với các bạn sinh viên là một quá trình hai chiều. Thực tế đi dạy cũng là đi học. Bởi khi tiếp xúc với các bạn sinh viên, tôi nhận thấy có một nguồn năng lượng rất tích cực, năng động từ các bạn, mang đậm hơi thở sức sống của giới trẻ ngày nay. Thông qua những chia sẻ của các bạn, tôi hiểu được tâm tư của người trẻ, và học được từ các bạn qua những góc nhìn mới về một sự vật, sự việc”.

Dạy trẻ yêu thích sách từ nhỏ

Kể từ khi ra đời cho đến nay, Ban lãnh đạo của Sbooks luôn tập trung vào mục tiêu giáo dục-văn hóa. Điển hình là đồng hành với nhà trường trong công tác xây dựng, lan tỏa văn hóa đọc, phát triển những tủ sách hay dành cho học sinh. Danh mục sách bám sát nội dung chương trình Giáo dục phổ thông mới theo định hướng 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi, góp phần phát triển toàn diện tri thức và nhân cách cho học sinh.

Đại diện dự án Xây dựng tủ sách, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sbooks, Đoàn Phương Thoa chia sẻ: “Sách và giáo dục có mối quan hệ mật thiết với nhau, và để nhìn cụ thể hơn thì đó là mối quan hệ của người làm sách-người giáo viên-người học trò. Mối quan hệ này giống như một vòng tuần hoàn, quyết định lẫn nhau, và mỗi quyết định ấy đều có ý nghĩa sâu sắc với nền tảng văn hóa nước nhà”. Chia sẻ tại chương trình giao lưu “Sách và sứ mệnh người thầy”, người dẫn chương trình Giáng Ngọc cho biết: Thầy là sách và sách cũng là thầy. Theo Giáng Ngọc, dù cuộc sống hôm nay mỗi người có rất nhiều thứ phải quan tâm nhưng đáng mừng khi chị nhìn thấy nhiều bạn trẻ vẫn quan tâm đến một người thầy bất hủ của mình, đó là sách.

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh: Tình yêu sách và thói quen đọc sách phải hình thành càng sớm càng tốt. Chúng ta nên xây dựng tình yêu sách trước khi trẻ chưa tiếp cận với những thú vui khác. “Khi trẻ có nhiều thú vui lấn át rồi mình mới giới thiệu sách là khó lắm. Do đó, tình yêu sách cần hình thành từ nhỏ. Tôi nghĩ rằng trường học cần xây dựng, duy trì thói quen đọc sách cho trẻ và qua đó, trẻ sẽ có sự khát khao, tò mò với tri thức mới, dần dần hình thành trong trẻ tinh thần tự học”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết thêm.

Chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân, nhà báo Trung Nghĩa cho biết: Cần xây dựng cho học sinh, các bạn trẻ ý thức rằng, thời đại hiện nay thay đổi quá nhanh nên chúng ta phải xác định là học cả đời, không bao giờ tự mãn. Chính vì thế, việc tự học, nhất là học từ sách sẽ giúp mỗi người bổ sung thêm tri thức hằng ngày, không bị lạc hậu trong thời đại mà công nghệ AI đang tác động mạnh mẽ đến xã hội. “Với sách, chúng ta có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, để có thể phát triển bản thân mỗi ngày, làm cho chúng ta mới hơn với chính mình của ngày hôm qua”, nhà báo Trung Nghĩa chia sẻ. Ông Nguyễn Anh Dũng, Nhà sáng lập, Chủ tịch Sbooks cho biết: “Trong suốt cuộc đời, tôi đã được dẫn dắt, chỉ lối bởi rất nhiều người thầy. Và chính những người thầy ấy đã giúp tôi tìm ra những cuốn sách thay đổi cuộc đời mình”.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, văn hóa đọc sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ nếu những nhà giáo phát hiện được sứ mệnh lan tỏa cao quý của mình. Văn hóa đọc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ được trỗi dậy như một làn sóng, mang trong nó sức mạnh có khả năng thức tỉnh thân-tâm-trí của mỗi người.