Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, chưa bao giờ nhà ở xã hội được đề cập một cách thường xuyên và được sự quan tâm rất lớn của xã hội như hiện nay. Chính sách về nhà ở xã hội hiện nay là chính sách tốt nhất mà chúng ta đã xây dựng cho đến thời điểm này. Tương tự, theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, các chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện hành đã tháo gỡ những điểm nghẽn so với trước đây như mở rộng đối tượng thụ hưởng, nới lỏng điều kiện về cư trú, thu nhập.
Cụ thể, trước đây, điều kiện để người dân được mua nhà ở xã hội cần có hộ khẩu tại địa phương đó, phải chứng minh chưa có nhà hoặc có nhà dưới 10 m² và thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng với người độc thân hoặc dưới 30 triệu đồng/tháng đối với hộ gia đình. Với chính sách hiện nay, các điều kiện như trên đã được hủy bỏ hoặc nới rộng. Đơn cử, điều kiện về nhà ở do Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận, còn điều kiện về thu nhập thì cơ quan, đơn vị trả lương sẽ xác nhận…
Ở khía cạnh chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Quân cho rằng: Chưa bao giờ nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ tốt như hiện nay khi giá nhà ở xã hội chỉ bằng 20% giá nhà ở thương mại, trong khi người mua được vay với lãi suất ưu đãi 6,6%/năm. Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các thủ tục đầu tư nhà ở xã hội đã được cắt giảm mạnh. Trước đây, việc thực hiện dự án nhà ở xã hội gặp năm vướng mắc về quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường. Hiện nay, thủ tục, đầu ra và vốn đã được pháp luật “cởi trói” một cách rất mạnh cho hướng phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh việc tháo bỏ rào cản cho chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại cũng vào cuộc với gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chủ trương phát triển nhà ở xã hội dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, nhu cầu 1,1 triệu căn nhưng đáp ứng chỉ 0,4 triệu căn; giai đoạn 2026-2030 nhu cầu 1,3 triệu căn nhưng khả năng đáp ứng chỉ 0,6 triệu căn. Trong khi đó, tình hình triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 hiện đạt kết quả rất “khiêm tốn”: chỉ có 79 dự án hoàn thành với 42.414 căn (bằng 4% kế hoạch). Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 131 (111.687 căn), số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 (411.076 căn). Sau khi Chính phủ đề ra mục tiêu xây dựng tối thiểu một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, đến nay trên cả nước, chương trình mới triển khai thực hiện được 10% kế hoạch; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 2%. Tiến độ như vậy là rất thấp.
Nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội chưa đạt tiến độ đề ra là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình-thủ tục và thực thi. Hiện nay, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, quy trình, thủ tục triển khai còn phức tạp. Trong khi đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu dưới hình thức các gói hỗ trợ ngắn và trung hạn; do đó, chỉ mang tính thời điểm và không bền vững; và gần như chưa có nguồn vốn hỗ trợ nhà ở thương mại vừa túi tiền. Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, quỹ đất: Có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa chủ động dành những quỹ đất trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp cho xây dựng nhà ở xã hội, chưa có quy chuẩn nào về quỹ đất nhà ở xã hội.
Thạc sĩ Trần Hoàng Nam, Trường đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra thực trạng, ở nhiều địa phương, người dân muốn mua nhà ở xã hội thì không có, nhưng lại có những dự án nhà tái định cư bỏ trống hoặc bố trí nhưng người dân không ở. Do vậy, các nhà đầu tư nên khảo sát, điều tra xã hội học thật chính xác nhu cầu ở, học hành, việc làm của người dân trước khi xây dựng. Một dự án nhà ở giá có rẻ mấy mà xây dựng tại nơi xa xôi, thiếu thốn hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông thì người dân cũng sẽ không mua.
Để đạt được mục tiêu xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội, cần có sự chung tay của bốn nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và người dân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò là đầu tàu, các địa phương chủ động xây dựng rà soát, thực hiện quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội. Chính phủ cần sớm nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương. Các ngân hàng có chính sách về lãi suất ưu đãi cho cả doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận. Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải bảo đảm chất lượng, đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Người dân cần chủ động trong tích lũy, lập kế hoạch tài chính cho việc mua, hiện thực hóa giấc mơ an cư trong bối cảnh thị trường đang chuyển đổi.