Ballet Kiều là tác phẩm duy nhất đoạt Giải nhất trong 55 tác phẩm được trao giải Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lần 3. Ðây là một trong những vở diễn thành công nhất của Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây với sự kết hợp tuyệt vời giữa những thành tựu nghệ thuật ballet kinh điển của thế giới với những giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Ballet Kiều được chuyển thể từ truyện thơ "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, một kiệt tác của nền văn học Việt Nam, một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Việt Nam được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Kịch bản của Ballet Kiều được chuyển thể bởi nghệ sĩ Tuyết Minh.
Nghệ sĩ Tuyết Minh và nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng cùng dàn dựng và biên đạo múa cho toàn bộ tác phẩm. Tác phẩm không lựa chọn kể lại toàn bộ tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du mà dẫn dắt khán giả qua những hành trình đầy hạnh phúc ngọt ngào cùng những đắng cay, thách thức tột cùng của nàng Kiều.
Bên cạnh đó còn thể hiện xuất sắc những nội tâm phức tạp của người phụ nữ đương thời qua các nhân vật khác như Hoạn Thư, Ðạm Tiên… Hành trình vô cùng xúc động của nàng Kiều trong cả đời sống và tâm linh được khắc họa rất ấn tượng với ngôn ngữ của nghệ thuật múa.
Ở lĩnh vực văn học, một trong ba Giải nhì được trao cho tác phẩm "Gánh gánh… gồng gồng" của nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng. Có thể nói, bà là một trong những "hiện tượng" thú vị của văn học Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung khi ra mắt cuốn sách tiếng Việt đầu tay "Gánh gánh… gồng gồng" ở tuổi 90.
Tác phẩm đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2020. Sức hút của quyển hồi ký "Gánh gánh… gồng gồng" đã chạm đến trái tim bạn đọc nhiều thế hệ khi tác phẩm đã đưa người đọc trở về những miền ký ức với đầy ắp kỷ niệm của một thời đạn bom, một thời hòa bình.
Có thể nói, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ của các cộng đồng dân tộc đến sinh sống, lao động, chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chính trong quá trình này, nhân dân, nghệ nhân, văn nghệ sĩ đã sáng tạo ra các giá trị tinh thần thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Với sự cống hiến, nỗ lực không ngừng nghỉ, đội ngũ văn nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm có giá trị về nội dung và có chất lượng về nghệ thuật, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ở khắp các vùng miền của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho biết, để ghi nhận những nỗ lực và thành quả lao động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ra đời nhằm động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ phát huy tính năng động, sáng tạo nghệ thuật. Ðây là giải thưởng danh giá, các tác phẩm đoạt giải là những sáng tác có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh lịch sử dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; phản ánh lịch sử hào hùng, truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, động viên tinh thần năng động, vượt khó trong lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thành phố.
Qua hai mùa giải trước đây, nhiều tác phẩm có giá trị đã đi vào lòng công chúng như: ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" (nhạc Ðinh Trung Cẩn); vở nhạc kịch "Người giữ cồn" (cố Giáo sư Ca Lê Thuần, Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Việt Cường); phim truyện điện ảnh "Long Thành Cầm giả ca", "Thiên mệnh anh hùng"; Công trình Kiến trúc Ðền tưởng niệm các Vua Hùng, Quảng trường đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Truyện ký "Ở R - chuyện kể sau 50 năm" (cố nhà văn Lê Văn Thảo); Nhạc kịch "Tiên Nga" (đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc); … cùng nhiều tác phẩm của các loại hình nghệ thuật khác.
Ðối với Giải thưởng lần 3, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, giải thưởng lần này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, con số tác phẩm gửi về vẫn còn khiêm tốn so với lực lượng hội viên hùng hậu ở các hội.
Về chất lượng các tác phẩm, theo ông Nguyễn Trường Lưu, có nhiều tác phẩm phản ánh các đề tài đấu tranh để xây dựng xã hội và con người ngày thêm tốt đẹp, đề tài về cuộc đấu tranh cách mạng,... được thể hiện phong phú và có nội dung tư tưởng tốt. Tuy nhiên, ở khía cạnh sáng tác nghệ thuật vẫn chưa có những tác phẩm xuất sắc, những tác phẩm mang tính tìm tòi, đột phá về nghệ thuật. Riêng ở lĩnh vực văn học, vẫn còn thiếu những tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn có chất lượng cao để trao giải.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, sau lễ trao giải, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thành phố cần chủ động phát huy vai trò tập hợp, dẫn dắt, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước và của thành phố, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm mang ý nghĩa tích cực, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặc biệt để chào mừng sự kiện quan trọng trong năm 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Tổng kết 50 năm Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Liên hiệp cũng cần tiếp tục thực hiện quảng bá sâu rộng các tác phẩm đoạt giải bằng các hình thức sáng tạo, phong phú, để thành quả của văn nghệ sĩ đến được với công chúng, qua đó góp phần lan tỏa, thấm sâu các giá trị chân - thiện - mỹ của các tác phẩm văn học nghệ thuật trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.