Các bạn trẻ tham gia chương trình Đối thoại: Phụ nữ và thanh niên tích cực dẫn đầu công tác truyền thông phòng, chống mua bán người. (Ảnh: IOM Việt Nam)
Các bạn trẻ tham gia chương trình Đối thoại: Phụ nữ và thanh niên tích cực dẫn đầu công tác truyền thông phòng, chống mua bán người. (Ảnh: IOM Việt Nam)

Phát huy sức lan tỏa của không gian mạng trong công tác phòng, chống mua bán người

Internet và không gian mạng xã hội vừa là cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng, đồng thời cũng là môi trường phù hợp để truyền đi nhanh chóng và hiệu quả các thông điệp về phòng, chống mua bán người đến cộng đồng.

Nhận định rõ những thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người

Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Thời gian qua, tình hình mua bán người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kế từ Tập đoàn Dữ liệu chống buôn người, số vụ mua bán người trên toàn cầu năm 2023 là hơn 156 nghìn vụ, diễn ra ở 189 nước với nạn nhân từ 187 quốc tịch khác nhau.

Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi. Tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người vào khoảng 240 vụ/380 đối tượng/570 nạn nhân/1 năm.

Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi. Tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người vào khoảng 240 vụ/380 đối tượng/570 nạn nhân/1 năm.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam trong thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, bị khống chế bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp tài sản, có trường hợp dẫn đến chết người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người/78 đối tượng, 103 nạn nhân.

Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ, làm quen trực tiếp với nạn nhân, các đối tượng phạm tội có xu hướng chuyển sang sử dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trên internet để tiếp cận nạn nhân, hứa hẹn việc làm “nhẹ nhàng” có thu nhập cao ở nước ngoài, sau đó buộc nạn nhân làm việc bất hợp pháp, thậm chí bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn…

Phát huy sức lan tỏa của không gian mạng trong công tác phòng, chống mua bán người ảnh 1

Tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại chợ trung tâm xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: TTXVN)

Trước đây, các đối tượng tội phạm mua bán người thì phải trực tiếp về các vùng, các địa điểm để tiếp cận, tìm các nạn nhân thì ngày nay công nghệ phát triển, các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng Zalo, Facebook… để có thể kết nối, dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi, mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.

Theo đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm Công nghệ cao (Bộ Công an), tội phạm mua bán người tiếp tục triệt để lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat…) để dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn.

Đối với việc hạn chế lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt là lừa đảo đi xuất khẩu lao động, do nhu cầu tìm kiếm việc làm trên môi trường mạng nhiều, nên các đối tượng có thể lợi dụng đưa ra thông tin để lôi kéo người lao động đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài nhưng mục đích thì không phải như vậy.

Tận dụng không gian mạng để thúc đẩy truyền thông phòng, chống mua bán người

Theo số liệu thống kê đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 78 triệu người dùng Internet và số lượng người dùng mạng xã hội là gần 73 triệu người, chiếm 73.3% dân số. Mạng Internet và các thiết bị di động phổ biến, dễ tiếp cận và sử dụng vừa là cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển kinh tế, nhưng cũng làm tăng nguy cơ khiến họ có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, cũng không thể phủ nhận rằng, Internet và không gian mạng xã hội là môi trường phù hợp để truyền đi nhanh chóng và hiệu quả các thông điệp về phòng, chống mua bán người tiếp cận với đại đa số người dân.

Trong bối cảnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang tăng cường phát huy những lợi thế của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Các cấp Hội Phụ nữ hiện có khoảng gần 10 nghìn trang fanpage Facebook, hơn 70 nghìn nhóm Zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức hoạt động hội. Các cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội là diễn đàn cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng, chống mua bán người. Các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về phòng, chống mua bán người với các hình thức mới mẻ, nội dung hấp dẫn cũng được triển khai, đã thu hút được hàng triệu lượt tiếp cận từ công chúng khắp cả nước.

Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cũng ưu tiên triển khai nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người tới các đối tượng thanh thiếu niên; tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng làm cha mẹ để tăng cường chăm sóc và bảo vệ trẻ em; tổ chức nhiều hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế gia đình tạo điều kiện giúp trẻ em được học hành, vui chơi; chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ các trẻ em mồ côi để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội đã giúp đỡ 122/144 nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được tiếp cận ít nhất 1 dịch vụ trợ giúp xã hội, đạt tỷ lệ 85%.

Theo bà Hương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng xác định sinh viên, học sinh vừa là đối tượng nhắm đến của loại tội phạm mua bán người, đồng thời vừa là lực lượng tích cực dẫn đầu trong công tác này. “Với sức trẻ, nhiệt huyết và vốn kiến thức được bồi đắp qua những hoạt động, sự kiện truyền thông, các thanh thiếu niên chắc chắn sẽ đóng góp một phần to lớn tạo nên cuộc sống bình yên, an toàn và lành mạnh cho chính các em và toàn xã hội”, bà Hương nhấn mạnh.

Với những người trẻ, với thế mạnh về sự hiểu biết và tinh thần học hỏi trong thời đại công nghệ số, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các thanh thiếu niên sẽ sử dụng công nghệ một cách thông minh để chủ động bảo vệ bản thân và đóng góp vào công cuộc phòng, chống mua bán người, qua đó bảo vệ những người chung quanh và gìn giữ an ninh, an toàn xã hội.

Tăng cường thông tin, giáo dục phòng, chống mua bán người cho nhóm đối tượng cụ thể

Từ những diễn biến phức tạp của tình hình mua bán người trong nhiều năm qua, cùng với các nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc, các thỏa thuận của ASEAN, ký kết Hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan về phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hoàn thiện khung pháp lý mà gần đây nhất là việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đồng thời tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người, tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Các bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống mua bán người, về bảo vệ quyền con người.

Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường thông tin nhằm nâng cao nhận thức người dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung triển khai trong thời gian tới trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến khá phức tạp với những phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Góp ý về công tác tuyên truyền được quy định trong dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, quy định về thông tin tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mua bán người trong dự thảo luật là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong bối cảnh phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

“Phổ biến vẫn là lừa tìm việc làm theo hình thức việc nhẹ, lương cao, môi giới lấy chồng nước ngoài, mua bán nội tạng, mua bán trẻ em… Đây là những nguyên nhân khiến cho một bộ phận phụ nữ, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người”, bà Trang nói. Nữ đại biểu cũng đề nghị các cơ quan trực tiếp làm công tác này cần tập trung mạnh mẽ vào tuyên truyền đối với các nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân.

Đồng thời, trong quá trình cụ thể hóa thi hành luật cần quan tâm việc lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, lứa tuổi cũng như địa bàn tuyên truyền.

Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, những dấu hiệu nguy cơ trở thành nạn nhân và phương thức phòng tránh tội phạm mua bán người.

Chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - Đoàn thành phố Hà Nội dẫn số liệu báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021 cho thấy, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới, ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 đến 20 tuổi, phần lớn là nữ giới. Nếu nhìn vào những con số thống kê có thể thấy việc tuyên truyền phải nhằm tới những đối tượng cụ thể, đó là trẻ em nữ người dân tộc thiểu số ở các vùng cao biên giới.

“Qua báo cáo thống kê thì hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12, vì vậy, tôi đề xuất dự thảo luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa, mua bán người, giúp các học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm, qua đó bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người chung quanh”, bà Hà nêu kiến nghị.

Từ kết quả khảo sát thực tế và qua nghiên cứu nội dung báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ trình Quốc hội trong các năm 2022, 2023, đại biểu Phạm Đình Thanh - Kon Tum nhận định, nạn nhân có thể bị đối tượng mua bán người sử dụng vào mục đích vô nhân đạo khác, như buộc nạn nhân phải đi ăn xin, sử dụng nạn nhân vào các mục đích khác. Ngoài số nạn nhân thuộc lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng thì người khuyết tật cũng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các hành vi này.

Do đó, đại biểu Quốc hội đoàn Kon Tum đề nghị bổ sung nhóm đối tượng là người khuyết tật vào nhóm cần được tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục dự kiến quy định tại khoản 5 Điều 7 của dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), cụ thể như sau: "Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên, người khuyết tật và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người”.

Về tuyên truyền, vận động giáo dục, tư vấn phòng ngừa mua bán người trong dự án luật nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp nêu thực trạng các địa phương hiện nay có nơi phong tục tập quán, tảo hôn, cưới hỏi dễ bị lợi dụng, biến tướng, thậm chí có người vì hoàn cảnh gia đình chấp nhận mua bán người thân, lao động nam, nữ thanh niên nghe lời đi làm việc nước ngoài việc nhẹ lương cao, bị lôi kéo bán ở nhà hàng, karaoke, cà-phê nhưng thực chất là bán dâm, bảo kê. Số đối tượng lợi dụng hôn nhân nước ngoài, cho, nhận con nuôi, mang thai hộ, hiến mô, tạng... diễn biến tương đối phức tạp…

Do đó, đại biểu kiến nghị cần nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, phòng ngừa, tuyên truyền cho mọi đối tượng để thông hiểu về phòng ngừa sai phạm hoặc nhận thức đúng đắn về đạo đức, lối sống để không làm trái pháp luật.

back to top