Nhà sư trực tiếp đứng lớp dạy chữ Khmer
Trung tuần tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp ghé thăm chùa Sà Lôn nằm khiêm nhường dưới chân núi Ngọa Long Sơn ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Đón tiếp chúng tôi là Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn và À cha Chau Neo (À Cha là người hướng dẫn người dân hành lễ đúng trình tự). Hòa thượng Chau Sơn Hy vui vẻ khoe lớp học viết chữ Khmer của chùa vừa kết thúc trước ngày khai giảng năm học mới ít lâu, thu hút rất đông các em học sinh trong phum sóc đến theo học.
Hòa thượng Chau Sơn Hy. |
Khóa học hè 2024, chùa Sà Lôn duy trì 3 lớp (1-2-3). Đầu khóa học, các nhà sư đứng lớp sẽ kiểm tra trình độ các em để phân chia lớp cho phù hợp. Vì vậy, trong mỗi lớp có nhiều độ tuổi khác nhau, có khi anh chị em học cùng một lớp. Có những em phải học qua một lớp nhiều khóa, nhưng các thầy luôn khuyến khích, động viên các em kiên trì.
Điều thú vị là lúc mở lớp có 137 em đăng ký thì đến khi kết thúc con số lên tới 150 em! Nguyên do là bởi trước khi bắt đầu khóa học chữ Khmer hè 2024, Hòa thượng Chau Sơn Hy có hứa nếu các em chăm chỉ học tập, đạt kết quả tốt nghiệp khóa học tốt, Hòa thượng sẽ đưa các em đi Hà Tiên chơi!
Một lớp học chữ Khmer ở An Giang. |
Phần thưởng ấn tượng từ vị Hòa thượng đáng kính đã khiến các em vô cùng phấn khích, nô nức rủ nhau tham gia học tập chăm chỉ để được nhận quà! Những khóa học trước, Hòa thượng cũng luôn có khen thưởng kịp thời với các học sinh đạt kết quả tốt, có em còn được nhận phần thưởng là chiếc xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập... Tuy nhiên, với phần thưởng là một chuyến đi chơi xa, hứa hẹn nhiều điều thú vị đã thực sự tạo “cú hích” khiến lớp học chữ Khmer hè 2024 trở thành một kỳ học ấn tượng hơn với nhiều em nhỏ.
Góp phần gìn giữ văn hóa, truyền thống của dân tộc
Tỉnh An Giang hiện có hơn 75.878 đồng bào dân tộc người Khmer (chiếm tỷ lệ 3,98% dân số toàn tỉnh) sống tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn. Tại các địa bàn này, phong trào dạy chữ Khmer cho các em diễn ra rất sôi nổi, mà chùa Sà Lôn là thí dụ tiêu biểu.
Đường vào chùa Soài So, huyện Tri Tôn. Đây là địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. |
Ngay sau năm học chính vừa kết thúc, các nhà chùa Nam Tông Khmer đã mở lớp dạy chữ Khmer để đón các em đến học. Khóa học thường kéo dài 2,5 tháng, kết thúc trước tháng 9 để các em có thời gian chuẩn bị cho năm học mới. Trong thời gian này, các em được học ngày hai buổi, sáng-chiều tại khuôn viên của chùa, với chương trình học thiết kế hợp lý giúp các em được học ngữ pháp Khmer, chính tả, giải từ, ca dao, tục ngữ... Những em mới bắt đầu vào học sẽ được các nhà sư hướng dẫn từng nét bút để từng bước làm quen.
Cùng với việc học chữ, các em còn được tìm hiểu phong tục, tập quán của người Khmer, tham gia sinh hoạt nghệ thuật, các các điệu múa truyền thống, tìm hiểu nhạc ngũ âm, các điệu múa Lâm Thôn, điệu múa Sa Dăm, Rô Băm của đồng bào Khmer.
Bên cạnh đó các em cũng được tham gia các hoạt động vui chơi tập thể phù hợp với lứa tuổi, qua đó giúp tăng thêm sự gắn kết, tương thân tương ái. Mỗi khóa học dù chỉ kéo dài hơn hai tháng song đã mang lại cho các em có một mùa hè vui tươi, bổ ích, cũng như giúp các em phát triển nhân cách lành mạnh, biết cách hành xử đúng đắn trong gia đình và cộng đồng.
Tham gia khóa học chữ Khmer tại chùa, các em nhỏ được tham gia nhiều hoạt động vui chơi bổ ích. |
Những lớp học chữ Khmer tại chùa được chính quyền địa phương và các phụ huynh rất ủng hộ, hoàn toàn tin tưởng gửi gắm con em mình tham gia. Nhiều phụ huynh chia sẻ việc con em mình học chữ Khmer là góp phần bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình nên họ rất vui, thường xuyên động viên, tạo điều kiện cho con theo học.
Nhờ việc thường xuyên dạy chữ Khmer nên giờ đây tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang, thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số có thể đọc, viết chữ Khmer ngày càng đông. Các em khi tham gia mạng xã hội cũng đã tự tin sử dụng chữ Khmer để bày tỏ những suy nghĩ của bản thân cũng như tăng cường kết nối với nhau.
Một góc chùa Sà Lôn. |
Chia sẻ về các lớp học chữ Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang, Hòa thượng Chau Prốs (sư cả chùa Thơ Mít, xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên), Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thị xã Tịnh Biên, tâm sự: “Nhờ tinh thần học tập và ý thức của con em phật tử trong việc tham gia học chữ Khmer đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc”.