Lũ lụt đi qua, mặt đất hiện ra trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên làm nhiều người bàng hoàng, lặng đi về mức độ tàn phá và thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đó là chỉ tính trong không gian nhỏ tại chung cư Tiến Bộ ở thành phố Thái Nguyên có hàng trăm ô-tô, nhiều ô-tô lên tới vài tỷ đồng/chiếc lộ ra sau nhiều ngày chìm trong lũ; trên các đường phố là bùn đất, rác thải, cây tre, xác động vật chết ngổn ngang. Bàn ghế trong lớp học, nền nhà, sân trường bị phủ lớp bùn non nhớp nháp.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chỉ đạo khắc phục lũ lụt với phương châm: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. |
Tại vùng ngoại ô, nông thôn, miền núi là phảng phất mùi khum khủm của lúa chết; đường xá bị sạt lở, vùi lấp, cầu cống bị cuốn trôi, công trình bị hư hại ở nhiều mức độ khác nhau; nhiều nhà cửa của dân trở nên điêu tàn, siêu vẹo, mái được trùm tạm bằng bạt để tránh mưa sau khi bị tốc mái.
Những ngày qua, hoạt động của xã hội gần như tê liệt, đổ dồn ứng phó lũ lụt, hộ đê, không sản xuất, kinh doanh được nên thiệt hại là rất lớn, khó đo đếm.
Lũ lịch sử ở Thái Nguyên
Người dân móc cống làm cho nước mau rút. |
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn giải pháp khắc phục lũ lụt, khi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo: Khắc phục hậu quả lũ lụt là công việc rất lớn, trải rộng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; mỗi ngành, mỗi cấp, các cơ quan, đơn vị theo chức năng khắc phục lũ lụt lịch sử với phương châm: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để sớm ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất, đưa xã hội trở lại bình thường nhất có thể.
Với hàng nghìn hộ dân, thiệt hại lũ lụt gây ra với mỗi hộ là không nhỏ. |
Chiều 11/9, kiểm tra thực tế tại tổ 7, phường Quang Vinh, Trường Trung học cơ sở Quang Vinh và tổ dân phố Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên là những khu vực giáp sông Cầu, địa hình thấp, nước đã rút, nhưng Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng chứng kiến sau khi người dân sơ tán trở về nhà lại đang gặp rất nhiều khó khăn về cơm ăn, nước uống, môi trường.
Việc khắc phục được giao cho từng người, từng việc để có hiệu quả cụ thể. |
Từ thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả. Trong đó, tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: bảo đảm nhu yếu phẩm, cung cấp nước sạch và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng tại khu dân cư, trường học, không để dịch bệnh xảy ra.
Sau khi sơ tán người dân đến nơi an toàn trong lũ, bộ đội duy trì quân số sau lũ để hỗ trợ các trường học quét dọn bùn đất. |
Bộ đội tăng thêm quân số sau lũ để khắc phục nhanh hậu quả. |
Thành phố Thái Nguyên nhanh chóng lập các điểm cấp phát nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là cấp nước sinh hoạt cho các khu chung cư trên địa bàn phường Quang Vinh.
Tỉnh chuẩn bị hơn 1 tấn Cloramin B để cấp cho cán bộ y tế tiêu độc, khử trùng tại các khu vực nước đã rút để phòng ngừa dịch bệnh.
Người dân chung tay để các bệnh viện, trường học sớm hoạt động trở lại. |
Các lớp học dần sạch sẽ. |
Công an, bộ đội không chỉ duy trì lực lượng đã hỗ trợ người dân trong lũ, nay lũ rút lại điều động thêm nhân lực để khẩn trương vệ sinh môi trường, quét dọn trạm y tế, trường học, sử dụng máy phát điện để tổ chức khám bệnh, học sinh đến trường trở lại.
Cùng chung tay, giai đoạn khó khăn sẽ qua. |
Công ty cổ phần Môi trường và Đô thị Thái Nguyên huy động tối đa trang thiết bị, công nhân làm việc không kể ngày đêm, ăn nghỉ ngay tại vỉa hè, cật lực thu dọn, vệ sinh, chỉnh trang thành phố Thái Nguyên để đưa cuộc sống dần trở lại bình thường.
Công nhân môi trường đô thị không kể mưa lớn để làm cho đường phố sạch đẹp trở lại. |
Công nhân môi trường đô thị dồn sức làm sạch phố phường thành phố Thái Nguyên. |
Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Chúng tôi đang nỗ lực triển khai phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo phương châm 4 tại chỗ, lũ rút đến đâu, xử lý vệ sinh môi trường đến đó nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh. Diện quá rộng nên chúng tôi đang đề nghị tỉnh và Bộ Y tế hỗ trợ hóa chất để khử khuẩn.
Ngành y tế không để dịch bệnh xảy ra, nhưng vật tư, hóa chất đang thiếu. |
Theo bác sĩ Phan Bích Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, trên địa bàn có 133 xóm, tổ dân phố bị ngập; 51 xóm, tổ dân phố bị cô lập nên cần lượng hóa chất khử khuẩn, viên Aquatab làm sạch nước để sinh hoạt trên địa bàn là rất lớn, cần mua sắm và cấp trên hỗ trợ gấp.
Từ ngày 11/9, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên lập 6 đội (mỗi đội 10 người) phun hóa chất khử khuẩn môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt trên địa bàn.
Từ sáng 12/9, học sinh trở lại lớp học. |
Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Trong bối cảnh thiếu hóa chất Cloramin B, các hộ dân có thể khắc phục tạm thời bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc thuốc tẩy. Nước sạch ở nhiều nơi chưa được cấp trở lại, lũ rút gần hết, dùng nước lũ để rửa sạch bùn đất trên nền nhà, sân thềm, sau đó rửa lại bằng nước mưa hoặc nước sạch.
Cuộc sống người dân Thái Nguyên dần trở lại nhịp độ thường lệ. |
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sau lụt lụt, nhất là nước sinh hoạt cần đặc biệt quan tâm. Ông Hoàng Anh chia sẻ, đối với những bể nước đã bị nước bẩn tràn vào, trước khi sử dụng lại, bà con nhất thiết phải tiến hành thau rửa cẩn thận trước khi sử dụng trở lại; cần ăn chín, uống chín để đề phòng các bệnh về đường tiêu hóa, như tả lỵ, thương hàn.
Toàn tỉnh Thái Nguyên đang chung sức, đồng lòng, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.