Trước lũ lớn lịch sử, tỉnh Thái Nguyên ứng phó và khắc phục thiệt hại với tinh thần chủ động, coi tính mạng người dân là ưu tiên cao nhất.
Nước lũ mênh mông
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhã tại tổ 17, phường Phan Đình Phùng, trung tâm thành phố Thái Nguyên tưởng chừng nước lũ sẽ không dâng tới.
Nhưng bà Nhã bất ngờ khi sáng 9/9 nước lũ từ sông Cầu tràn vào hồ điều hòa Xương Rồng, dâng lên sân, đến trưa thì ngập nền nhà gần nửa mét. “Gia đình huy động nhân lực đưa đồ đạc, tài sản ra vị trí cao, nhưng giường, tủ, bàn ghế cồng kềnh, nặng nên đành để ngập nước, hư hỏng”, bà Nhã tiếc nuối.
Lũ lên nhanh làm cho nhiều người không kịp trở tay. |
Đã nhiều năm không có lũ lớn nên lần này, người dân thành phố Thái Nguyên và dọc sông Cầu bị bất ngờ khi lũ lên nhanh, dâng cao đến thế.
Nhiều người tập trung trên cầu Bến Tượng, Bến Oánh, nhiều tuyến phố quan sát nước lũ lụt mênh mông. Nước lũ sông trên sông Cầu cuộn đỏ, chảy mạnh, cuốn theo nhiều cây to, rác.
Thái Nguyên khẩn cấp chống lũ lớn
17 xã, phường dọc sông Cầu trên địa bàn thành phố Thái Nguyên bị ngập, nhiều tuyến phố vốn sầm uất thì đến chiều ngày 9/9 nước dâng lưng bờ tường, chảy mạnh như sông, trong đó có nhiều gia đình chưa kịp sơ tán tài sản, bỏ lại chạy lấy người. Hàng chục xã khác ở huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên cũng bị ngập trong biển nước.
Nhiều tuyến phố, nước chảy mạnh. |
Thương tâm nhất là hai cháu bé sinh năm 2019 và 2020 ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ bị nước lũ cuốn trôi, trong đó có một cháu theo bà đi mua mỳ tôm về thì trượt ngã xuống suối trôi theo dòng nước lũ.
17 xã, phường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên bị ngập. |
Từ đêm 8/9 đến nay, các lực lượng chức năng ở tỉnh, các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Phú Bình, các thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công đang tập trung xuống cơ sở hỗ trợ người dân nên chưa thống kê đầy đủ thiệt hại.
Tuy nhiên, thống kê ban đầu là hơn 3.000 hộ phải di dời khẩn cấp và chuẩn bị di dời nếu lũ tiếp tục lên, hơn 200 nhà và 21 điểm trường bị tốc mái; hơn 3.500ha lúa và hoa màu bị ngập, trong đó lúa đang làm đòng và trỗ bông bị ngập, đổ rạp sẽ mất trắng.
Nước ngập sâu vào trung tâm thành phố Thái Nguyên. |
Ứng phó với phương châm “bốn tại chỗ”
Ưu tiên cao nhất của tỉnh Thái Nguyên là bảo vệ tính mạng người dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: “Trong đêm 8 và ngày 9/9, thành phố Thái Nguyên huy động tối đa lực lượng, phương tiện để di dời hơn 1.500 hộ đến nơi an toàn; bộ đội, công an suốt ngày đêm gia cố đê sông Cầu; tổ chức lực lượng chốt chặn tại các tuyến phố ngập sâu để tránh bất trắc xảy ra”.
Công an và bộ đội cả ngày dầm mình trong lũ lớn để đưa dân đến nơi an toàn. |
Suốt từ đêm và cả ngày 9/9, tại đầu cầu Bến Tượng, công an và bộ đội sử dụng xuồng đưa người dân phường Đồng Bẩm, trong đó ưu tiên trẻ em, người già, phụ nữ đến nơi an toàn, nhiều người vào đến bờ mà vẫn tim đập chân run vì lũ quá lớn. Xe quân sự cũng được sử dụng để hỗ trợ người dân.
Tỉnh Thái Nguyên không để ai thiếu lương thực, chỗ ở. |
Đêm 8/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng triệu tập cuộc họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó kịp thời với lũ rất lớn và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí yêu cầu các địa phương, sở, ngành, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khẩn trương thực hiện các phương án phòng, chống mưa lũ lớn với phương châm “bốn tại chỗ”; ban hành đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tình huống đột xuất.
Dù lũ lịch sử, tỉnh không để đê sông Cầu bị vỡ. |
Các cấp, ngành kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lớn với tinh thần chủ động, không được chủ quan, lơ là, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng xử lý kịp thời những tình huống phát sinh.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công điện khẩn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương thực hiện các phương án phòng, chống mưa lũ lớn; kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với lũ lớn.
Bộ đội Quân khu I tiếp ứng cho tỉnh Thái Nguyên chống lũ. |
Kiểm tra tình hình và chỉ đạo khắc phục lũ lớn sáng 9/9, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, kích hoạt toàn bộ phương án "bốn tại chỗ", ưu tiên cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, khẩn trương rà soát các hộ dân trong vùng ngập lụt, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm để người dân không bị đói.
Phương tiện ứng cứu hiện diện ở nhiều nơi để xử lý tình huống xảy ra. |
Tỉnh Thái Nguyên đã huy động lực lượng công an, dân quân, bộ đội ở mức độ cao, chuẩn bị đủ vật tư ứng phó, tuyên truyền cao độ để người dân không chủ quan với mưa lũ; không để ai thiếu lương thực, thực phẩm, không có chỗ ở. Có như vậy thì nhất định Thái Nguyên sẽ vượt qua lũ lịch sử với thiệt hại thấp nhất.