6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 98 vụ án mua, bán người

NDO - Ngày 15/8, tại Tây Ninh, hưởng ứng Ngày Quốc tế và Ngày Toàn dân phòng chống mua, bán người (30/7), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình “Diễn đàn truyền thông phòng, chống mua, bán người” nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho học sinh, sinh viên và người dân, góp phần làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham gia tọa đàm tại chương trình.
Các đại biểu tham gia tọa đàm tại chương trình.

Theo đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, tình hình tội phạm mua, bán người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức mới khó tiếp cận và ngăn chặn.

Bên cạnh đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị bạo lực gấp đôi người lớn khi bị mua, bán; đồng thời, cũng là đối tượng phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng cho nhiều mục đích như: ép buộc lao động, buôn bán nội tạng, mại dâm.

Riêng tại tỉnh Tây Ninh, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia làm việc bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bị mua, bán từ công ty này sang công ty khác diễn biến phức tạp. Các đối tượng bị lừa bán còn có cả trẻ vị thành niên.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 98 vụ án mua, bán người, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua, bán người.

Số vụ mua, bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tại tỉnh Tây Ninh, trong năm 2023 và sáu tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã phát hiện và khởi tố ba vụ với 12 đối tượng và giải cứu 24 nạn nhân; đang thụ lý điều tra 2 vụ án mua, bán người với 17 bị can.

6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 98 vụ án mua, bán người ảnh 1

Các lao động người Việt Nam bị lực lượng chức năng Campuchia trao trả về nước ngày 9/7, hé lộ đường dây mua bán người xuyên quốc gia của đối tượng Đới Thị Yến Linh. (Ảnh: Lê Quân)

Tại chương trình, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết, với chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua, bán người năm nay là “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”; Ban tổ chức mong muốn mỗi người dân, đặc biệt là các em học sinh, luôn là một tuyên truyền viên góp phần cùng toàn dân, toàn xã hội chung tay phòng, chống tội phạm mua bán người và di cư lao động an toàn.

Bên cạnh đó, với các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý, nắm được các mối quan hệ bạn bè của các cháu để có sự giáo dục, phòng tránh bị lừa gạt.

Trong chương trình, thông qua hình thức “Sân khấu diễn đàn” và “Tọa đàm đối thoại” đã cung cấp thêm tới các đại biểu, hội viên, phụ nữ và các em học sinh những kiến thức về phòng, chống mua bán người, nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua, bán người trên không gian mạng.

Qua đó, giúp các em học sinh nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua, bán người.

Theo đồng chí Trương Nhật Quang, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tây Ninh, cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm mua, bán người nói riêng; quan tâm củng cố lực lượng nòng cốt ở cơ sở, xây dựng, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả về phòng, chống tội phạm; tập trung làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhất là ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện của tội phạm.