Tại thành phố Cần Thơ, nguồn vốn này vừa góp phần hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vừa chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhờ được tiếp cận vốn, nhiều hộ nghèo đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh nên giờ đây cuộc sống đã có nhiều thay đổi.
Gần 10 năm qua, bà Võ Mỹ Hòa, ngụ khu vực 5, phường Tân An, quận Ninh Kiều đã nhiều lần tiếp cận vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ban đầu khi tiếp cận nguồn vốn, bà chỉ là người bán hàng rong, thuộc diện hộ nghèo. Nhờ số vốn được vay ưu đãi bà mở tiệm tạp hóa buôn bán tại nhà và chi tiêu tiết kiệm nên đến năm 2020 đã thoát nghèo.
Ngân hàng Chính sách tỉnh Cà Mau ủy thác Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh giải ngân nguồn vốn chính sách cho hội viên để phát triển nghề đan lát tại địa phương. |
Là nông dân, suốt hơn 20 năm, ông Lê Văn Tuấn ngụ khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều thuê đất trồng hoa tết và vạn thọ bán hằng tháng. Trong hơn 10 năm qua, vợ chồng ông đã 3 lần tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Lúc đầu chỉ 20 triệu đồng, hiện ông Tuấn đang vay chương trình giải quyết việc làm đến 70 triệu đồng. Nhờ có đồng vốn với lãi suất thấp, thời hạn vay kéo dài, ông đầu tư trồng hoa tết, mai vàng và bon sai bán quanh năm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã cho vay 298 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo với số vốn hơn 11 tỷ đồng, hiện tại dư nợ 3 chương trình này đạt 763 tỷ đồng với tổng số 23.000 khách hàng đang vay.
Nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung và vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đã cùng địa phương thực hiện hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ Huỳnh Hoàng Phong
Từ người có hoàn cảnh khó khăn, đến nay gia đình ông Tuấn đã vươn lên thoát nghèo. Ông tâm sự:“Trước đây tôi là hộ nghèo của phường An Bình, cũng khổ lắm. Phải vay tiền bên ngoài mà làm không có lời. Nhưng từ khi được vay vốn chính sách tôi đã làm ăn được, có thể tích lũy dần, lo cho con cái trong gia đình”.
Để hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay dễ dàng, thuận tiện, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã bố trí mỗi phường, xã một điểm giao dịch; thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ các đối tượng ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng. Đồng thời, ký hợp đồng ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội và hợp đồng ủy nhiệm thông qua tổ tiết kiệm, tổ vay vốn. Hoạt động của những “cánh tay nối dài” này đang rất hiệu quả.
Tại Cà Mau, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn và 100% khóm, ấp với hơn 2.600 tổ tiết kiệm, tổ vay vốn nhằm phục vụ, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay một cách thuận lợi, kịp thời và đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng phù hợp nhu cầu.
Với sự tài trợ toàn diện từ vốn, cơ chế cùng tư duy dám nghĩ, dám làm của những người muốn thoát nghèo, đã có nhiều hộ đầu tư, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, kinh tế phát triển.
Ngân hàng Chính sách tỉnh Cà Mau giải ngân vốn tín dụng chính sách cho các đối tượng tại xã An Xuyên, thành phố Cà Mau. |
Bà Trần Tường Vy kinh doanh hàng tạp hóa ở ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, chia sẻ, nhờ được trưởng ấp giới thiệu nên bà cũng tìm hiểu vay vốn, mở rộng quy mô, mua thêm nhiều mặt hàng bán có thu nhập tốt hơn.
Còn ông Đinh Văn Tấn cùng ấp vay vốn đầu tư mô hình nuôi cá sặc bổi. Ban đầu ông được hỗ trợ vay số tiền 50 triệu đồng. Qua thời gian sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn nên ông được nâng lên mức hỗ trợ vay 70 triệu đồng, cộng với tiền lãi tích lũy ông quyết định mở rộng quy mô sản xuất, làm ăn hiệu quả hơn.
Trong hoạt động tín dụng chính sách, các hội, đoàn thể đã tích cực phát huy vai trò, làm tốt công tác ủy thác vốn vay từ ngân hàng, trở thành cầu nối quan trọng khi mang nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau Trần Minh Thuật cho biết: Khi có nguồn vốn ngân hàng sẽ phân bổ cho các hội, đoàn thể; ủy ban xã họp phân nguồn, phân vốn; sau đó về chi bộ, chính quyền ấp xét các đối tượng được hưởng. Những hộ đủ điều kiện của xã sau thời gian thực hiện vay vốn làm ăn đã đạt kết quả rất tốt.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau Dương Thế Hào thông tin: Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách phối hợp rất tốt với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 373 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện, từ đó chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến các đối tượng nghèo và chính sách.
Mô hình trồng cây ăn trái từ nguồn vốn tín dụng chính sách cho bà con nông dân tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ. |
Hằng năm, có hơn 3.000 lượt khách hàng được vay vốn, qua đó góp phần cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo. Năm 2023, huyện giảm được 491 hộ nghèo, tương đương 0,86%; 45 hộ cận nghèo, tương đương 0,08% so với năm 2022.
Đến nay, Ngân hàng Chính sách tỉnh Cà Mau đã cho vay hơn 18 chương trình tín dụng chính sách. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay đạt 612 tỷ đồng với hơn 19.700 lượt khách hàng được vay vốn. Chi nhánh thực hiện giải ngân hoàn thành 94% kế hoạch nguồn vốn tín dụng được Trung ương và địa phương giao trong năm. Đến thời điểm hiện tại, đạt tổng dư nợ 4.323 tỷ đồng, tăng 192 tỷ đồng so với đầu năm 2024 và tăng 4.323 tỷ đồng so năm 2014 với hơn 135.400 khách hàng vay vốn.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Đồng bày tỏ quyết tâm: Ngân hàng sẽ tích cực, chủ động, tham mưu cho chính quyền thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tín dụng chính sách. Chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện tín dụng chính sách, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể; nhất là trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện; làm tốt công tác bình xét cho vay đúng đối tượng; giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn trung ương giao từ nay đến cuối năm.
Có thể thấy, chương trình tín dụng chính sách ở nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt chủ trương của Ðảng và Nhà nước, thực sự “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình giảm nghèo, thời gian tới, Cà Mau và một số tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện chương trình đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức chủ động tự vươn lên thoát nghèo của người dân; vận động để thay đổi suy nghĩ, cách làm, thói quen của bà con theo hướng “cầm tay, chỉ việc”; giúp họ tự tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống.