Nhìn ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ít ai biết ông Danh Kha ở khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ để có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Khi chúng tôi đến nhà, ông Kha đang chuẩn bị các dụng cụ để đi ruộng. Dẫn chúng tôi đi thăm hàng trăm công ruộng của mình, ông Kha kể, sau khi kết hôn, gia đình không có đất canh tác nên ông lấy hết vàng, tiền cưới đi thuê đất sản xuất.
Do tập quán canh tác lạc hậu, điều kiện canh tác khó khăn nên hiệu quả sản xuất lúa không cao, gia đình ông thường đối mặt cảnh “thiếu trước, hụt sau”.
Với mong muốn vươn lên làm giàu, ông Danh Kha luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật sản xuất; đi tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả ở tỉnh bạn, kể cả tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông để trang bị thêm kiến thức cho mình.
Kiên Giang: Huyện anh hùng An Biên đạt chuẩn nông thôn mới
Vào những năm 1990, địa phương đẩy mạnh khuyến khích chuyển đổi mô sản xuất trong nông nghiệp, ông Danh Kha mạnh dạn chuyển từ trồng lúa 2 vụ kém hiệu quả sang sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm. Ông Kha còn tận dụng thời gian nhàn rỗi, đất trống quanh nhà để trồng khổ qua, dưa leo, đậu đũa...
Thu nhập tăng thêm từ trồng hoa màu giúp gia đình ông Kha trang trải tốt cuộc sống hằng ngày. Riêng lợi nhuận từ trồng lúa, nuôi tôm, ông Danh Kha mua thêm đất liền kề theo kiểu “tích tiểu thành đại”, từ đó giúp kinh tế gia đình không ngừng phát triển.
Ông Danh Kha thu hoạch khổ qua. |
Hiện, gia đình ông Danh Kha sở hữu hơn 100 công ruộng, thu nhập bình quân từ việc trồng lúa, nuôi tôm và trồng hoa màu gần 1 tỷ đồng/năm.
“Gia đình ông Kha khá giả nhưng sống rất giản dị, hòa đồng và miệt mài lao động. Ông Kha còn tích cực tham gia, ủng hộ các nguồn quỹ, các phong trào do địa phương phát động góp sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn”, ông Trương Thanh Nhã, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, nhận xét.
Hiện, gia đình ông Danh Kha sở hữu hơn 100 công ruộng, thu nhập bình quân từ việc trồng lúa, nuôi tôm và trồng hoa màu gần 1 tỷ đồng/năm.
Ông Nhã cho biết thêm, nhiều hộ đồng bào Khmer cũng như người Kinh thường xuyên học hỏi mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả của ông Danh Kha. Ông Danh Kha cũng nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất tôm, lúa để mọi người cùng vươn lên.
Nhắc đến ông Danh Na ở ấp Bào Láng, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, bà con chung quanh ai cũng biết và mến phục bởi ông siêng năng, chăm chỉ. Với 5 công đất do cha mẹ cho từ ngày đầu lập nghiệp, đến nay, ông Na có hơn 50 công đất ruộng. Sản lượng thu hoạch lúa chất lượng cao vụ đông xuân bình quân 30-35 tấn/năm; sản lượng tôm, cua bình quân đạt hơn 400kg/ha/năm; lợi nhuận hằng năm hơn 400 triệu đồng.
Hiện, gia đình ông Danh Na có cuộc sống ổn định; nhà cửa khang trang, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đầy đủ tiện nghi. Các con ông Danh Na đều được học hành đến nơi, đến chốn.
“Là nông dân phải hiểu về điều kiện tự nhiên của địa phương để biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Kế đó, phải biết cập nhật tin tức về giá cả, không ngừng trau dồi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Danh Na chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Danh Na (bên trái) cùng thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Bào Láng trao đổi kinh nghiệm canh tác lúa chất lượng cao. |
Nói về ông Danh Na, bà con nhân dân ấp Bào Láng còn nể phục ông về việc mạnh dạn đi đầu trong việc thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Vào năm 2018, ông Danh Na tiên phong trong thực hiện mô hình sản xuất "tôm - lúa" và áp dụng phương pháp canh tác theo hướng sản xuất sạch trên địa bàn.
Ông Danh Na đăng ký tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân các cấp phát động để trao đổi và học hỏi thêm các kiến thức trong thực hiện mô hình. Không những vậy, ông còn tích cực vận động đồng bào Khmer làm kinh tế tập thể.
Năm 2019, Hợp tác xã nông nghiệp Bào Láng được thành lập do ông Danh Na làm Giám đốc với hơn 70 thành viên, trong đó có 65 thành viên là đồng bào Khmer; tổng diện tích canh tác 128ha. Hợp tác xã đã giúp kết nối, tạo thuận lợi cho các thành viên trong sản xuất, ổn định "đầu ra" sản phẩm, phát triển kinh tế theo hướng bền vững, góp phần giảm nghèo cho địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Thái Huỳnh Văn Thanh, ông Danh Na là một trong những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã. Ông Na không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện, tỉnh nhiều năm liền, mà còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
“Nổi bật, ông Danh Na đã vận động, tập hợp được khá đông đồng bào Khmer tăng gia sản xuất, làm kinh tế tập thể, mang hiệu quả kinh tế cao. Hợp tác xã nông nghiệp Bào Láng do ông điều hành hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nêu cao tinh thần đoàn kết trong đồng bào Khmer”, ông Huỳnh Văn Thanh cho biết thêm.