Nuôi gà bằng dược liệu, hướng đi mới của huyện Ba Chẽ

Từ lâu, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) được biết đến là địa phương có nhiều loài dược liệu quý nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như: Ba kích tím, trà hoa vàng, sâm cau, đẳng sâm, cát sâm… Phát huy lợi thế từ các loại dược liệu đó, anh Nguyễn Văn Cường, ở Khu phố 3A, thị trấn Ba Chẽ, đã quyết định đầu tư nuôi gà theo hướng chăn thả tự nhiên và sử dụng thức ăn có pha trộn dược liệu sẵn có ở địa phương, với mục đích xây dựng thương hiệu gà đồi dược liệu Ba Chẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi gà bằng dược liệu đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.
Mô hình nuôi gà bằng dược liệu đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Cuối năm 2021, khi huyện Ba Chẽ triển khai thí điểm mô hình “Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học dưới tán rừng trồng”, anh Cường là người tiên phong tham gia. Khi bắt tay vào thực hiện, anh được huyện hỗ trợ 300 con gà giống cùng thức ăn, thuốc phòng và trị bệnh ban đầu cho đàn gà. Cùng với nguồn hỗ trợ của huyện, anh mạnh dạn vay thêm 150 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư làm chuồng trại, mua máy thái dược liệu, máy thái thức ăn, máy ép cám viên và 600 con gà giống địa phương về chăn thả trên diện tích rừng đồi khoảng 4 ha của gia đình mình.

Để chủ động nguồn dược liệu làm thức ăn cho gà, trên khu rừng đồi trồng trà hoa vàng đã được sáu năm của gia đình, anh Cường trồng xen các loại cây dược liệu như: Tía tô, sả, kim ngân, sâm cau, đinh lăng để trộn lẫn vào thức ăn cho gà.

Anh Cường chia sẻ: Đây là mô hình chăn nuôi khá độc đáo và mang lại hiệu quả tốt. Hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, tỷ lệ gia cầm nuôi kháng thuốc kháng sinh rất cao. Việc nuôi theo phương thức mới này sẽ giúp giảm chi phí sử dụng thuốc kháng sinh thú y, giảm tỷ lệ gà chết, giảm chi phí thức ăn, mở ra hướng đi mới trong tiếp cận thị trường đối với sản phẩm gà sạch; phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng.

Để đàn gà phát triển tốt, ngoài sự hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc của cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, anh Cường đã mày mò tìm hiểu qua sách, báo, trên internet và đi nhiều nơi đang nuôi gà bằng dược liệu để tham khảo và học hỏi cách làm. Cách nuôi mà anh Cường áp dụng được thực hiện theo tiêu chí chăn thả tự nhiên trên sườn đồi, dưới tán cây. Ngoài việc để gà tự ăn các loại cây dược liệu có sẵn trên đồi, anh Cường còn nấu lá trà hoa vàng, cùng một số cây dược liệu khác, trộn vào thức ăn cho gà ăn. Định kỳ mỗi tháng một lần, anh xông lá dược liệu vào chuồng để phòng chống bệnh về hô hấp và tăng cường sức đề kháng cho đàn gà.

Nói về cách chăm sóc đàn gà, anh Cường cho biết: “Khâu khó nhất trong việc chăn nuôi gà dược liệu đó là việc phối trộn dược liệu trong thức ăn với tỷ lệ phù hợp nhất để cho gà phát triển đều, không bệnh tật, tỷ lệ hao hụt ít, gà mau lớn và đặc biệt chất lượng thịt thơm ngon hơn gà nuôi bằng phương pháp bình thường khác. Một khó khăn nữa đối với việc nuôi gà dược liệu là khâu vệ sinh phòng bệnh. Để đàn gà phát triển tốt thì nền chuồng và vườn thả phải luôn khô ráo, sạch sẽ; máng ăn, máng uống phải luôn sạch sẽ. Định kỳ tôi tẩy uế chuồng nuôi và khu vực chung quanh bằng thuốc sát trùng hoặc bằng vôi bột và thực hiện đúng lịch sử dụng thuốc thú y theo quy định. Ngoài ra, tôi còn kết hợp một số bài thuốc nam dân gian sẵn có tại địa phương như: Kim ngân, kinh giới, cam thảo, gừng, giềng... để phòng và điều trị bệnh ho khạt, viêm họng, hen khẹt cho gà”.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các khâu trong chăm sóc mà bước đầu anh Cường thực hiện mô hình rất thuận lợi. Gà khỏe hơn bình thường, rất ít bệnh tật. Sau sáu đến bảy tháng chăn thả ngoài tự nhiên kết hợp với thức ăn có phối trộn dược liệu, đàn gà của gia đình anh Cường đều đạt trọng lượng từ 1,8-3,2 kg/con; chất lượng thịt thơm, ngọt, da vàng, đẹp. Sau khi trừ chi phí, lứa gà đầu tiên mang về số tiền lãi cho gia đình anh Cường hơn 100 triệu đồng.

Từ thành công của mô hình này, gia đình anh Cường đã mở rộng quy mô chăn thả trên diện tích vườn đồi hơn 7 ha. Hiện nay, anh Cường nuôi theo kiểu gối đàn, mỗi năm nuôi được từ bốn đến năm lứa gà, mỗi lứa từ 1.500-2.000 con, thời gian nuôi khoảng bốn đến sáu tháng có thể xuất chuồng. Với giá bán từ 160.000-200.000 đồng/kg gà hơi, cao hơn gà nuôi thả đồi thông thường từ 10.000-20.000 đồng/kg và hơn các loại gà thông thường trên thị trường từ 30.000-70.000 đồng/kg, mỗi năm anh Cường thu lãi hơn 150 triệu đồng từ mô hình nuôi gà này.

Bên cạnh phát triển quy mô đàn gà, gia đình anh Cường còn thực hiện khâu sơ chế, thực hiện quy trình giết mổ, đóng gói theo quy chuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Ba Chẽ Phạm Thị Chính cho biết: Qua theo dõi, giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện một số mô hình thí điểm chăn nuôi gà kết hợp bổ sung dược liệu cho thấy các mô hình phát triển rất thuận lợi, sản phẩm gà đồi dược liệu Ba Chẽ trong thời gian qua đã được coi là một loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi gà bằng dược liệu của gia đình anh Cường đã khẳng định được kết quả rất tốt. Nuôi gà cho ăn dược liệu, chuồng trại cũng giảm hẳn mùi hôi, gà hầu như không bị bệnh, sức đề kháng tốt hơn, tiết kiệm về chi phí đầu tư và chất lượng thịt ngon hơn rất nhiều.

Việc nuôi gà bằng dược liệu của gia đình anh Nguyễn Văn Cường đã mở ra hướng đi mới, hiệu quả cho người dân ở huyện miền núi Ba Chẽ. Phương thức nuôi này góp phần chuyển dịch, thúc đẩy mạnh mẽ chương trình phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển thêm sản phẩm OCOP và mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Chẽ có khoảng 120.000 con gà thả đồi, trong đó có khoảng 20.000 con được nuôi theo quy trình chăn nuôi dược liệu mới. Giống gà được các hộ sử dụng để nuôi dược liệu chủ yếu là giống gà Tiên Yên, một trong những giống gà nổi tiếng của khu vực miền đông tỉnh Quảng Ninh ■