Nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn điện tử

Việc đẩy mạnh tiêu thụ, phân phối sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử lớn đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh quan tâm, từng bước tiếp cận, triển khai mang lại hiệu quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử và các trung tâm thương mại.
Sản phẩm trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử và các trung tâm thương mại.

Đây được coi là hướng đi mới, kỳ vọng mở ra “cánh cửa” vươn xa hơn cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Việt Dân là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước, được thị xã Đông Triều lựa chọn xây dựng xã thông minh, bởi xã vốn có nền tảng chuyển đổi số.

Trước đó, thời điểm bùng phát dịch Covid-19, xã Việt Dân đã tổ chức tiêu thụ quả na trên địa bàn thông qua ứng dụng thương mại điện tử.

Chính việc ứng dụng thương mại điện tử đã giúp xã vượt qua nguy cơ tồn đọng hàng nghìn tấn na vào mỗi vụ cao điểm thu hoạch, trong bối cảnh dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa.

Bên cạnh đó, xã cũng chủ động xây dựng thương hiệu, bộ nhãn hiệu nhận diện cho quả na, hình thành các vườn na, vùng na được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng trồng, quả na được cấp mã QR, cấp tem chống hàng giả. Đó là những dữ liệu giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, là điều kiện của thương mại điện tử.

Ông Hoàng Tiến Đang, hộ trồng na ở xã Việt Dân cho biết: “Tham gia vào trang thương mại điện tử dongtrieumart.vn, chúng tôi được hướng dẫn, tập huấn xây dựng các gian hàng của từng hộ dân, đăng tải về chủng loại, số lượng, giá cả, cách thức liên hệ, qua đó, giảm bớt các khâu trung gian, thuận tiện hơn, mở rộng được nhiều nguồn tiêu thụ, cho nên người dân chúng tôi rất phấn khởi, na bán cũng được giá hơn so với phương thức bán hàng truyền thống cho thương lái như trước kia”.

Hiện nay, thị xã Quảng Yên có 44 sản phẩm OCOP, trong đó có 22 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên Đỗ Hồng Hưng cho biết: Thị xã đã tích cực hướng dẫn các đơn vị có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên tham gia các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn, Tiki.vn, Lazada.vn...

Đến nay thị xã có 19/22 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã tham gia các sàn thương mại điện tử, trong đó có 18 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; 6 sản phẩm tham gia sàn Voso.vn; 12 sản phẩm tham gia sàn Postmart.vn.

Đến nay, cơ sở sản xuất ruốc tép chưng thịt Long Thương ở phường Quảng Yên, bên cạnh bán hàng theo phương pháp truyền thống như giao hàng vào các chợ, trung tâm thương mại, thì đã bắt đầu quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua Facebook, Zalo, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Chủ cơ sở Nguyễn Thị Thu Thương cho biết: Cơ sở tham gia sàn thương mại điện tử với các sản phẩm mắm tép chưng thịt, ruốc tép, ruốc hà sú. Nhờ đó thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và sử dụng nhiều hơn. Doanh thu hằng năm của cơ sở đạt hơn một tỷ đồng, lợi nhuận 10%.

Cũng mạnh dạn chuyển đổi từ việc bán hàng theo cách truyền thống, nhiều năm nay Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Phương Thùy ở thành phố Uông Bí đã giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Đông trùng hạ thảo trên các trang thương mại điện tử như: Qn.check.net.vn; ocopquangninh.com.vn; icheck.vn...

Gần đây, công ty đã đưa các sản phẩm ở dạng tinh chế lên sàn thương mại điện tử Shopee.vn, nhằm tăng sản lượng tiêu thụ.

Có thể thấy rõ hiệu quả của việc kết nối tiêu thụ sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ, được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, nhất là việc đưa sản phẩm tham gia “gian hàng trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử uy tín, như Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Voso.vn...

Chị Đào Nhật Hà, ở phường Cẩm Thạch, thành phố Cẩm Phả chia sẻ: “Trước đây, tôi thường phải đợi đến các dịp hội chợ OCOP mới có thể mua sắm một số sản phẩm mà gia đình ưa thích, tin tưởng. Nhưng từ khi đặt hàng trên sàn thương mại điện tử Quảng Ninh, tôi có thể đặt hàng trực tiếp và được giao hàng nhanh chóng, thanh toán tiện lợi. Tôi thấy giao diện, khả năng truy cập hợp lý, dễ dàng sử dụng và được liên kết với nhiều ứng dụng khác để đăng ký rất thuận lợi. Đây sẽ là kênh bán hàng uy tín, góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Quảng Ninh vươn xa trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế”.

Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, trong đó đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn.

Hệ thống giúp cấp tài khoản tham gia quản lý cho các cơ sở là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thực phẩm của thành phố Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Không chỉ tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho khách hàng, sàn thương mại điện tử Quảng Ninh còn là nơi để các cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, giới thiệu hình ảnh thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng doanh thu, lợi nhuận bán hàng.

Với những giải pháp tích cực đó, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và từng bước nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân và khu vực nông thôn.