Cũng vì thế, vai trò của khuyến nông được xác định là bệ đỡ trong việc hỗ trợ nông dân đổi mới và phát triển sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, tiến lên khá và giàu.
Để khuyến khích phát triển nghề trồng nấm hiệu quả, bền vững, tỉnh Thái Bình đã ứng dụng thành công công nghệ cao vào sản xuất, mở ra hướng đi mới cho người dân vùng nông thôn.
Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cho biết, bắt đầu từ tháng 7/2022, đơn vị tiến hành xây dựng ba mô hình sản xuất nấm sò ứng dụng hệ thống tưới nước thông minh tại xã Đông Cơ, Đông Trung (huyện Tiền Hải) và xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư). Quy mô mỗi điểm thực hiện mô hình là 28 tấn nguyên liệu, diện tích nhà xưởng sản xuất nấm 300m2.
Việc trồng nấm hoàn toàn khác phương pháp truyền thống: Hệ thống tưới nước được kết nối với điện thoại thông minh và cài đặt thời gian tưới, lượng nước tưới, bảo đảm được độ ẩm không khí và nhiệt độ cho nấm sinh trưởng và phát triển.
Trong quá trình hoạt động, bộ cảm biến liên tục lắng nghe điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, theo thời gian thực và gửi dữ liệu về bộ xử lý trung tâm để thực hiện phân tích và tính toán thông tin, từ đó biết được thời điểm cần tưới, lượng nước cần tưới.
Về hiệu quả kinh tế, sử dụng hệ thống tưới nước thông minh tiết kiệm được một công lao động/tấn nguyên liệu và năng suất tăng 10%. Lợi nhuận thu được so với sản xuất bình thường hơn một triệu đồng/tấn nguyên liệu.
Mô hình đã giúp cho nông dân nắm được tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nấm, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và lao động nông nhàn, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ.
Từ một vùng đất ven đê rất khó khăn trong canh tác lúa vì cao ghềnh và chuột phá hoại, mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao bán nổi lần đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp triển khai tại xã Bình Định, huyện Kiến Xương cho hiệu quả ấn tượng.
Cuối năm 2019, gia đình ông Phạm Văn Tính ở thôn Sơn Trung (xã Bình Định) xin được chuyển đổi diện tích 5,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả của tập thể và của một số hộ gia đình, khó khăn về nguồn lao động để triển khai mô hình làm ao bán nổi nuôi cá nước ngọt.
Gia đình ông Tính đã thuê máy múc đào đắp khối lượng đất đủ phần bờ ao chung quanh cao khoảng 2m, rộng khoảng 5m, sau đó được trải tấm bạt nhằm chống xói lở và giữ nước theo nhu cầu thực tế của từng thời điểm nuôi thủy sản nước ngọt.
Với mức đầu tư về nhân công đào đắp và nguyên vật liệu như bạt nhựa, đường ống, hóa chất xử lý, máy sục khí… mỗi héc-ta đầu tư ban đầu khoảng 250 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông Tính đã đi vào sản xuất được 3 năm, trừ chi phí con giống, thức ăn, các chế phẩm xử lý nước, điện... mỗi năm bình quân thu lãi hơn 800 triệu đồng.
Theo tính toán của chính quyền địa phương, trước đây cấy lúa trên vùng đất này chỉ cho thu nhập 26,5 triệu đồng/ha, thì hiện nay khi triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao bán nổi cho thu nhập khoảng 160 triệu đồng/ha.
Đây là mô hình độc đáo, nên vừa qua Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đã trực tiếp đến tìm hiểu, trao đổi với địa phương chung quanh việc phát triển, nhân rộng mô hình. Theo kế hoạch phát triển thủy sản trong ao bán nổi (giai đoạn 2022-2025), huyện Kiến Xương sẽ chuyển đổi hơn 340 ha đất cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản trong ao bán nổi kết hợp với trồng lúa.
Từ chỗ có nguy cơ tuyệt chủng, khả năng ấp nở kém, thời gian gần đây, các kỹ sư thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình đã phục hồi thành công giống gà Tò quý hiếm trên vùng đất Quỳnh Phụ. Các kỹ sư đã chọn tạo được giống gà Tò hạt nhân đạt 85% các chỉ tiêu, chất lượng so với giống gà Tò nguyên chủng.
Trước đây gà Tò có khả năng sinh sản thấp, tỷ lệ trứng có phôi không cao, thì bây giờ nhờ thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ trứng có phôi cao hơn khoảng 2% và có tỷ lệ trứng nở nhiều hơn 10% so với giống gà Tò nuôi thả tự nhiên.
Việc khôi phục giống gà quý hiếm được triển khai bài bản thông qua một đề tài khoa học có tên “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAP”, do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Khuyến nông cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình triển khai từ tháng 6/2020.
Từ đề tài khoa học này, trong hai năm qua đã nhân được 150 con gà Tò hạt nhân và 900 con gà Tò thương phẩm. Với độ quý hiếm, thịt ngon, thơm nên 1 kg gà Tò thương phẩm đang được bán ra thị trường từ 150 nghìn đến 170 nghìn đồng.
Sau một quá trình triển khai khôi phục giống gà Tò, đến nay đã thực hiện được mục tiêu đề ra là điều tra thực trạng chăn nuôi gà Tò trên địa bàn tỉnh Thái Bình về quy mô và phương thức chăn nuôi; đặc điểm ngoại hình, các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật; nhất là khả năng xuất bán sản phẩm, nhu cầu mở rộng chăn nuôi giống gà Tò trong nhân dân.
Theo ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, những mô hình khuyến nông có hiệu quả trong thực tiễn đã góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và an toàn thực phẩm; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao thu nhập cho người sản xuất.