Những chuyến tàu ra biển đầu năm

Sáng mồng 5 Tết Kỷ Sửu, làng cá Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trở nên tất bật hơn. Năm nay, người dân thị trấn miền biển tây nam này đón cái Tết sung túc, an lành và hạnh phúc, bởi ngư dân ở đây vừa được một mùa bội thu tôm, cá...

Ði dọc phố chợ của thị trấn Sông Ðốc, trên bến dưới thuyền, nhà nhà chuẩn bị cho những chuyến tàu rời bến ra khơi đánh bắt thủy sản ngay đầu năm mới. Dưới bến, hàng trăm tàu đánh cá đang lo phương tiện, ngư lưới cụ, xăng dầu, nước đá, thực phẩm... chuẩn bị rời bến ra khơi, bám biển dài ngày với nguyện ước một năm mới thuận buồm xuôi gió. Ông Nguyễn Tấn Bửu ở khóm 1, thị trấn Sông Ðốc phấn khởi cho biết, thường là vào dịp sau Tết vùng biển Tây Nam rất đẹp, lặng sóng là mùa hội tụ của các loài tôm, cá. Phải tranh thủ ngay từ đầu năm để sản xuất, khai thác vài chuyến biển ăn chắc, trúng đậm.

Ông Bửu là một trong những ngư dân lão luyện, giàu kinh nghiệm đi biển đánh bắt xa bờ. Gia đình ông có 12 chiếc tàu đánh bắt thủy sản, trong đó có bốn tàu có công suất từ 350 đến 500 CV chuyên khai thác xa bờ; tám tàu công suất 120 CV khai thác ở tuyến lộng với các nghề cào, lưới vây... Ông Bửu cho biết thêm, vượt qua nhiều khó khăn, thường xuyên bám biển, năm 2008, gia đình ông Bửu đạt tổng doanh thu và lợi nhuận từ nghề đánh bắt thủy sản khá cao. Ngay trong dịp Tết này, một số tàu cá của gia đình ông vẫn hoạt động khai thác trên biển và không đưa tàu vào bờ đón Tết.

Anh Nguyễn Hoàng Thiên, Trưởng ban Thủy sản thị trấn Sông Ðốc cho biết, toàn thị trấn có đến 85% số tàu liên tục hoạt động khai thác trên biển không đưa tàu về đất liền vui Xuân, đón Tết. Việc lao động trên biển không nghỉ trong dịp Tết cũng đồng nghĩa với các chủ phương tiện chăm lo về quà Tết, tăng tiền công, tiền thưởng cho lao động và gia đình họ.

Thị trấn Sông Ðốc có bốn đến năm tàu chuyên làm nghề dịch vụ hậu cần phục vụ các tàu trong thời gian hoạt động khai thác dài ngày trên biển. Tàu dịch vụ có thể cung cấp ngư lưới cụ, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, nước đá, muối ướp và thu mua sản phẩm ngay trên biển, hoặc hợp đồng vận chuyển thuê theo yêu cầu của các chủ tàu cá ở trên đất liền. Cách làm này đã giúp số đông ngư dân Sông Ðốc tiết kiệm xăng, dầu, giảm chi phí trong quá trình khai thác đánh bắt, bám biển dài ngày và khai thác hiệu quả hơn. Ðến nay, toàn thị trấn Sông Ðốc có 1.130 tàu, trong đó có hơn 700 tàu công suất lớn, đủ khả năng đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày.

Theo Bí thư Ðảng ủy thị trấn Sông Ðốc Nguyễn Thành Ngại, vài năm gần đây, Sông Ðốc chú trọng tổ chức lại cơ cấu sản xuất nghề biển, trước hết giảm dần tình trạng khai thác ven bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hiệu quả kém. Thông qua các nguồn vốn ưu đãi; nhất là thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ tiền xăng, dầu cho ngư dân vừa qua đã có tác dụng thiết thực, khuyến khích ngư dân bám biển, đẩy mạnh sản xuất, khai thác xa bờ; đồng thời gắn với cơ cấu lại các nghề lưới bao, lưới vây, câu mực cho nên sản lượng, hiệu quả mỗi năm một tăng. Toàn thị trấn Sông Ðốc đã có hơn 95% số tàu được hỗ trợ xăng, dầu với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng.

Năm 2008, bình quân mỗi chuyến biển tăng thêm chi phí từ 30 đến 40% do xăng, dầu... tăng giá, trong khi giá sản phẩm không tăng, nhưng bù lại ngư dân thị trấn Sông Ðốc đã khai thác liên tục trúng mùa; toàn thị trấn đạt sản lượng khai thác gần 64 nghìn tấn thủy sản. Khi nghề cá Sông Ðốc được duy trì đã khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, đồng thời kéo theo sự phát triển, mở mang nhanh chóng các ngành nghề sản xuất kinh doanh sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, dịch vụ cung cấp ngư lưới cụ, xăng dầu; hình thành cụm kinh tế-kỹ thuật với các nhà máy chế biến tôm đông lạnh, bột cá xuất khẩu, sản xuất nước đá với quy mô, công suất lớn, tạo việc làm ổn định cho đông đảo người dân, góp phần nâng cao vai trò làm dịch vụ hậu cần cho nghề khai thác hải sản xa bờ tại Cà Mau.

Tuy nhiên, ngư dân Sông Ðốc cũng đang đứng trước khó khăn là còn nhiều chủ tàu từ sau khi đóng mới tàu bằng các nguồn vốn ưu đãi trước đây cho đến nay vẫn chưa trả được nợ; tình trạng thiếu vốn lưu động, hoặc thiếu kinh nghiệm sản xuất, đánh bắt không có hiệu quả, thua lỗ đành để tàu nằm bờ vẫn còn.

Việc khai thác trúng mùa nhưng sản phẩm rớt giá vẫn thường xuyên diễn ra làm cho nhiều ngư dân điêu đứng và cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, trước hết là ngành thủy sản trong việc kịp thời thông tin về giá, gợi mở tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Năm 2009, thị trấn Sông Ðốc phấn đấu khai thác đạt sản lượng từ 68 đến 70 nghìn tấn thủy sản. Tuy nhiên, để khai thác đạt hiệu quả cao hơn, nhất là đối với những chủ phương tiện còn nhiều khó khăn, vấn đề đặt ra là khâu tổ chức sản xuất, đào tạo tay nghề cho thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác xa bờ, dài ngày trên biển. Mặt khác, Cà Mau cần đẩy nhanh hơn việc hoàn thành đưa vào sử dụng bến neo đậu trú tránh bão cảng cá tại Sông Ðốc... Khi các công trình này hoàn thành sẽ giúp nghề khai thác biển ở đây phát triển nhanh, bền vững hơn.

Chiều xuống dần trên cửa biển Sông Ðốc. Nắng xuân vàng rực, ấm áp. Tiếng máy nổ vang. Từng đoàn tàu đánh cá rẽ sóng ra khơi. Những ngư dân nơi đây đều có niềm tin và ước nguyện chung những mẻ lưới trúng đậm tôm, cá... vào dịp đầu năm mới.

NGỌC QUÂN