Nhu cầu biển sạch

ND - Mới đây Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Trong đó có Quy chế quản lý các khu bảo tồn Việt Nam quy định cụ thể tiêu chuẩn phân loại tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn biển Việt Nam…

Các hoạt động bị nghiêm cấm trong Khu bảo tồn biển là khai thác các nguồn lợi sinh vật và vi sinh vật bằng bất cứ phương pháp nào, công cụ nào; các hình thức nuôi trồng thủy sản; việc quy hoạch xây dựng các công trình biển; vấn đề xả các chất thải xuống biển, các quy định hoạt động của các phương tiện khai thác và du lịch không được làm ảnh hưởng cũng như tác động đến môi trường sinh thái biển và các thảm động thực vật trên biển.

Cần nói thêm rằng, các khu bảo tồn biển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của vùng biển nước ta. Ðó là các ranh giới "mềm" khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Mục tiêu của Ðề án "Bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020" là ngăn chặn sự gia tăng của các loài bị đe dọa tuyệt chủng, tiến tới phục hồi và phát triển giống, loài thủy sinh quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam, với sự tham gia của cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nghề cá bền vững.

Song song đó, nhiệm vụ chủ yếu của Ðề án giai đoạn 2008 - 2010, là lập cơ sở dữ liệu các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời đề xuất các loại hình bảo vệ thích hợp từng đối tượng.

Rõ ràng, xu thế bảo vệ môi trường biển và đới bờ, phát triển kinh tế biển đang là chủ đạo ở cả nước ta và thế giới. Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về dải san hô ngầm kéo dài năm ngày, kết thúc vào 11-7 vừa qua tại bang Florida (Mỹ), thu hút 2.500 nhà khoa học, các chuyên gia bảo tồn và quan chức Chính phủ của 114 quốc gia trên thế giới, các chuyên gia Mỹ cảnh báo tình trạng trái đất nóng lên và ô nhiễm đang làm giảm số lượng các dải san hô ngầm trên thế giới và chỉ có 25% dải san hô này ở vùng biển Caribe trong tình trạng tốt.

Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) công bố tại Hội nghị này, mặc dù tại một số khu vực biển, các dải san hô đã được bảo vệ nhưng trên thực tế, nhiều nước thiếu các phương tiện để giám sát.

Cũng theo NOAA, một nửa các hệ sinh thái san hô của Mỹ đang trong điều kiện không bảo đảm hoặc chỉ vừa đủ để phát triển. Riêng tại bang Florida, nơi có hệ san hô ngầm lớn thứ ba thế giới, việc số dân sống ven bờ biển của bang này tăng trưởng nhanh 64% trong vòng hai thập kỷ qua, đã đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của các dải san hô.

 Qua thông tin trên, có thể thấy nhu cầu bảo vệ tài nguyên môi trường biển ngày càng là hiện thực và được đáp ứng bằng từng biện pháp cụ thể ở mọi cấp, lĩnh vực. Như ở Khu bảo tồn Vịnh Nha Trang, vùng lõi (khu bảo vệ nghiêm ngặt) Hòn Mun thuộc Vịnh này có đa dạng sinh học cao nhất với 350 loài rạn san hô. Dự án thí điểm xây dựng khu bảo tồn biển Hòn Mun được thực hiện trong bốn năm từ 2001 đến 2005.

Khi mới thành lập, người dân sống trong khu bảo tồn đã phản đối kịch liệt, bởi nơi có các loài thủy sản sinh sống nhiều nhất và cũng rất gần bờ đã bị khoanh vùng cấm khai thác bởi đây là nơi có nhiều rạn san hô. Ðến nay tỷ lệ vi phạm vùng cấm đã giảm nhiều. Do được phân thành các vùng như vùng lõi - vùng cấm, vùng chuyển tiếp và vùng đệm - vùng được khai thác, cho nên người dân vẫn có thể được khai thác ở vùng chuyển tiếp và vùng đệm, kèm theo sự hỗ trợ cho vay vốn và chuyển đổi nghề nghiệp nên không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ.

Có thể là chuyện lớn hơn như việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng, trình ban hành và triển khai thực hiện "Ðề án tổng thể về Ðiều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020", trong đó có nội dung ưu tiên xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển, xây dựng các đề án bảo vệ môi trường biển và ven biển...

Có thể kết luận: Ðể đáp ứng nhu cầu "biển sạch" cùng với việc định ra chính sách phải quan tâm đến phát triển cộng đồng. Khi nhận thức được lợi ích của biển cũng như của các khu bảo tồn biển mang lại, cuộc sống của người dân ít bị ảnh hưởng, họ sẽ tham gia tích cực bảo vệ tài nguyên môi trường biển.