Giúp người khuyết tật hòa nhập cuộc sống

20 năm đi vào hoạt động, tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân, hàng nghìn chiếc tay, chân giả đã được lắp miễn phí cho người khuyết tật - đó là những con số biết nói để kể câu chuyện về người bác sĩ cũng là thương binh, luôn đau đáu với những số phận kém may mắn trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Tư vấn trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật của bác sĩ Lê Thành Đô.
Trung tâm Tư vấn trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật của bác sĩ Lê Thành Đô.

Sinh ra ở vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, năm 1963 khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Lê Thành Đô viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông vào Sư đoàn 304 và trực tiếp làm nhiệm vụ rà phá bom mìn.

Năm 1965, trong khi cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở cầu Hàm Rồng, không may ông bị thương ở mặt và phần cánh tay. Do sức khỏe giảm sút, không thể tiếp tục công việc hiện tại, đơn vị đã điều chuyển ông về tuyến sau.

Năm 1970, thương binh hạng 2/4 Lê Thành Đô bắt đầu theo học ngành y tại Đại học Y Hà Nội. Ra trường, ông về nhận công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Sau đó, ông làm giảng viên, Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Chỉnh hình tại Trường đại học Lao động-Xã hội.

Trước khi về nghỉ hưu, ông vẫn đau đáu nỗi niềm được giúp đỡ những người khuyết tật. Vì thế, ông lên ý tưởng thành lập một phòng khám nhỏ tại nhà riêng ở số 1, ngách 5, ngõ Gốc Đề, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, để giúp đỡ những người kém may mắn.

Ông chia sẻ: "Tôi là thương binh, nên thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người bị mất đi một phần thân thể. Vì vậy tôi muốn giúp đỡ những người kém may mắn đó để họ vơi bớt phần nào khó khăn".

Tháng 10/2004, Trung tâm Tư vấn trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật do bác sĩ Lê Thành Đô làm giám đốc được thành lập. Để trung tâm hoạt động được, những ngày đầu bác sĩ Đô đã trích ra phần lớn tiền lương hưu của mình để đầu tư trang, thiết bị. Thế nhưng, đồng lương của người bác sĩ già cũng không thấm vào đâu so với chi phí cần thiết để duy trì hoạt động của trung tâm vào thời điểm đó.

Để khắc phục khó khăn lớn nhất ấy, ông mạnh dạn đi vận động các tổ chức nhân đạo, các đại sứ quán, các nhà hảo tâm ủng hộ chi phí làm dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật. Khi nguồn kinh phí đã ổn định, ông và các cộng sự mới có thể yên tâm với công việc chuyên môn.

20 năm qua, dù là mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh giá, căn nhà nhỏ của bác sĩ Đô tại phường Minh Khai lúc nào cũng tập trung đông người khuyết tật. Ngày vắng có hơn mười người. Ngày đông có khi lên đến 25-30 người. Dù bệnh nhân có đông đến thế nào, vị bác sĩ già vẫn nhẹ nhàng thăm khám, chu đáo động viên từng người.

"Hôm nay, đoàn tôi đến khám rất đông, gần 20 người, nhưng bác sĩ Đô vẫn ân cần thăm khám cho từng người một. Bác sĩ rất chu đáo, nhiệt tình với bệnh nhân", ông Vũ Đình Chi, xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) chia sẻ sau khi được bác sĩ Đô khám bệnh.

Ông Đoàn Văn Báu, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) là một bệnh nhân may mắn được bác sĩ Đô lắp chân giả cách đây không lâu. Hôm nay, ông gọi điện cho bác sĩ Đô thông báo: "Chân của tôi được làm đẹp, lại nhẹ, nên đi thích lắm. Nhiều người thấy vậy nên hỏi thăm xem xin ở đâu, tôi đã giới thiệu mọi người đến trung tâm của bác. Thay mặt anh em, tôi xin cảm ơn nhà tài trợ và bác sĩ Đô đã giúp chúng tôi có chân giả để đi lại thuận tiện".

Ông Báu chỉ là một trong hàng nghìn người khuyết tật được thăm khám và lắp tay, chân giả hoàn toàn miễn phí. Việc làm này không những giúp người tàn tật vận động tốt hơn, mà còn là tấm vé của niềm tin và hy vọng hỗ trợ những người kém may mắn hòa nhập cuộc sống đời thường.

Trải qua mấy chục năm làm dụng cụ chỉnh hình, nhưng người bác sĩ ấy chưa khi nào bằng lòng với những gì mình đã làm được. Những lúc vãn bệnh nhân, ông lại cặm cụi bên chiếc máy tính cũ, tìm đọc tài liệu về kỹ thuật làm chân giả tân tiến nhất, hiệu quả nhất để áp dụng vào xưởng sản xuất của mình, mong làm ra được những chiếc tay, chân giả tốt nhất với chi phí thấp nhất cho người nghèo không may bị khuyết tật. Không dừng lại ở đó, từ đầu năm 2023, ông còn trực tiếp gửi công văn cho Hội Người khuyết tật ở một số tỉnh, thành phố để vận động mọi người đến khám và lắp tay, chân giả.

Chị Nguyễn Thị Nga, Hội Người khuyết tật tỉnh Hải Dương cho biết: "Tháng 4/2023, tôi có nhận được công văn của bác sĩ Đô về chương trình lắp tay, chân giả cho người khuyết tật. Sau đó tôi đã vận động từng hội viên lên gặp bác sĩ Đô, thăm khám và lắp tay, chân giả. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bác sĩ Đô vì nhờ có bác mà chúng tôi tìm lại được hạnh phúc tưởng như đã xa vời của mình".

Với những đóng góp cho cộng đồng, bác sĩ Lê Thành Đô đã được nhận kỷ niệm chương của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen của các ban, ngành, đoàn thể.