Nâng chất lượng sống của cư dân đô thị

Với định hướng phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, Thành ủy Hà Nội khóa 17 đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Các sở, ban, ngành, địa phương đưa ra nhiều chỉ tiêu, trong đó một nhiệm vụ trọng tâm là cải tạo, chỉnh trang đô thị, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Trong tháng 9, các đoàn kiểm tra của thành phố kiểm tra tiến độ triển khai Chương trình số 03-CTr/TU tại các quận. Qua tìm hiểu, các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy…, đều có tiến độ triển khai khá tốt. Bộ mặt đô thị từng bước được cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển thông qua việc điều chỉnh quy hoạch, hoặc mở đường. Tại quận Đống Đa, quy hoạch thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng-Voi Phục được lập cùng với triển khai thi công dự án. Quận đang tổ chức thi công tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài; chỉnh trang tuyến ngõ Chợ Khâm Thiên nối thông ra phố Xã Đàn; mở rộng và nối thông phố Khương Thượng; mở rộng đoạn đường ngõ Hoàng Cầu ra phố Nguyễn Phúc Lai...

Nhìn chung, những vấn đề về quy hoạch, xây dựng mở đường, chỉnh trang ngõ phố, cung cấp nước sạch, xây dựng công trình trọng điểm… đều được các quận tập trung triển khai đáp ứng yêu cầu. Riêng vấn đề cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử còn không ít hạn chế. Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, các nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật và nguồn lực xã hội.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhìn nhận, tại khu vực các quận lõi như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng rất cao, tạo ra những không gian sống bị đóng kín, chật chội, thiếu công trình công cộng, dịch vụ xã hội… Do vậy, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Vì thế, cần có một quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù để giúp công tác cải tạo, tái thiết, chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô thuận lợi, có tính khả thi hơn.

Với mục tiêu lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm trong quy hoạch đô thị, Hà Nội đang tập trung cho phát triển thành phố thông minh. Để triển khai thuận lợi, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần đặc biệt ưu tiên huy động, bố trí các nguồn lực, trong đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực trong nước và kể cả quốc tế để thực hiện.