Nâng cao chuỗi giá trị ngành lương thực, thực phẩm

Lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm, đang giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm cần áp dụng công nghệ mới, hiện đại nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Tuần lễ Kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực, phẩm năm 2024.
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Tuần lễ Kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực, phẩm năm 2024.

Ngành lương thực thực phẩm hiện chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh. Để tăng sức cạnh tranh, ngành lương thực thực phẩm thành phố đang từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: Doanh nghiệp lương thực thực phẩm đã từng bước cải tiến chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Từ đó, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu. Đặc biệt, trong xu thế khai mở các thị trường mới như hiện nay, doanh nghiệp lương thực thực phẩm đã nỗ lực đạt được chứng nhận Halal, góp phần đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường của các nước Hồi giáo.

Để ngành lương thực thực phẩm thành phố tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4700/QĐ-UBND ngày 23/10/2024 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của chiến lược này là phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm theo hướng bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, bảo đảm về dinh dưỡng cho người sử dụng, cũng như thân thiện với môi trường, phù hợp xu thế phát triển công nghiệp xanh.

Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng thông qua chọn lọc và phát triển các sản phẩm chủ lực thiết yếu, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; tập trung vào các phân khúc giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; hướng đến sản xuất thông minh trên ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các phần mềm tích hợp vào máy móc thiết bị hiện có, hướng đến làm chủ công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng suất lao động.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố phối hợp Hội Lương thực-Thực phẩm thành phố (FFA) tổ chức Tuần lễ Kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm năm 2024. Đây là dịp quan trọng để doanh nghiệp trong nước giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng, thương hiệu uy tín đến với đối tác xuất khẩu, nhà mua hàng, người tiêu dùng trong nước và nước ngoài; đồng thời, góp phần khẳng định vị thế của ngành lương thực thực phẩm thành phố trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới.

Tuần lễ quy tụ gần 100 doanh nghiệp tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực từ hàng tiêu dùng, đồ khô, thủy hải sản, đồ ngọt, bánh kẹo, đồ uống, đến nông nghiệp sạch. Mỗi sản phẩm trưng bày tại tuần lễ triển lãm là kết tinh nỗ lực trong cải tiến, ứng dụng công nghệ, sáng tạo trong sản xuất, phản ánh xu hướng xanh, sạch, hữu cơ (organic) và thân thiện môi trường. Ngoài ra, với thông điệp “Tết an vui-Xuân khởi sắc”, toàn bộ không gian trưng bày của tuần lễ kết nối được thiết kế theo hướng hiện đại, sử dụng gam mầu đặc trưng thể hiện sự năng động, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức, việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, tối ưu hóa chi phí, cùng cam kết tuân thủ các quy chuẩn quốc tế giúp doanh nghiệp lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nâng tầm vị thế, sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp cho rằng, chương trình kết nối giao thương được tổ chức dịp này là cơ hội tốt để các cơ sở sản xuất giới thiệu mặt hàng đặc trưng, sản phẩm mới phục vụ Tết Nguyên đán đến người tiêu dùng.

Thông qua chương trình, doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng để mở rộng mạng lưới phân phối. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố, sản phẩm lương thực thực phẩm thành phố không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn vươn xa ra thế giới, chinh phục các thị trường quốc tế khó tính. Trong năm 2024, ngành lương thực thực phẩm đối mặt không ít thách thức từ thị trường toàn cầu, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội lớn.

Các xu hướng tiêu dùng mới như thực phẩm xanh, sản phẩm thay thế, hay yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc đã đặt ra một lộ trình phát triển mới đầy tiềm năng cho ngành lương thực thực phẩm Việt Nam. Những sự kiện như Tuần lễ Kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm năm 2024 chính là nền tảng để các doanh nghiệp không chỉ giới thiệu sản phẩm, mà còn kết nối, nắm bắt xu hướng và xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Năm nay, các doanh nghiệp tham gia sự kiện này nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm kinh phí mặt bằng, kệ trưng bày và các hoạt động quảng bá. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm và nỗ lực của thành phố trong việc đồng hành cùng ngành lương thực thực phẩm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.