Bếp ăn yêu thương cho người nghèo

Nhiều năm qua, trụ sở nhiều khu phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm đến thân thương của nhiều người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khi họ được đón nhận những suất ăn 0 đồng do các khu phố tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Những suất xôi đậu 0 đồng dành cho người nghèo tại Trụ sở liên khu phố 13, 14, 15, 16, 21.
Những suất xôi đậu 0 đồng dành cho người nghèo tại Trụ sở liên khu phố 13, 14, 15, 16, 21.

Cứ hai tuần một lần, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức lại tìm về trụ sở liên khu phố 6, 7, 8 để nhận những suất cơm 0 đồng từ chương trình “Bếp ăn yêu thương”. Các suất ăn trị giá 25.000-30.000 đồng/suất được các tình nguyện viên Hội Phụ nữ của khu phố chăm chút chế biến gồm các món xào, mặn và canh nên người nhận luôn háo hức đón chờ.

Bí thư Khu phố 7 Đinh Thị Hải Yến cho biết: Qua nhiều đời bí thư và trưởng khu phố, chương trình “Bếp ăn yêu thương” được tổ chức và duy trì suốt chín năm qua. Mỗi lần, khu phố tổ chức phát 200-300 suất ăn cho người nghèo.

Chương trình được các nhà hảo tâm, các cán bộ, đảng viên trong khu phố chung tay đóng góp kinh phí thường xuyên giúp bếp ăn thường xuyên đỏ lửa. Để hỗ trợ những người già yếu, những người tham gia tình nguyện còn mang những suất cơm trao tận nơi.

Định kỳ mỗi tháng hai đến ba lần, nhiều người dân nghèo trong khu vực thường xuyên đến trụ sở liên khu phố 13, 14, 15, 16, 21 để đón nhận những suất ăn yêu thương của chương trình “Bếp ăn tình thương”.

Chiều 1/12 vừa qua, một nhóm tình nguyện của Chi hội Phụ nữ, Chi hội Chữ thập đỏ phường Tăng Nhơn Phú A và các sinh viên tất bật chia vào hộp các suất xôi dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 14, phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức cho biết: Trong buổi sáng 1/12, khu phố đã phát 1.200 suất xôi đậu, buổi chiều chúng tôi phát thêm 200 suất nữa.

Chúng tôi tổ chức phát các suất ăn xôi đậu thường xuyên vào ngày 1 và 14 âm lịch hằng tháng. Chương trình duy trì từ năm 2021 đến nay nên người dân đã quen biết hoạt động này và tự động đến nhận suất ăn. Bắt đầu phát cơm từ 6 giờ đến 6 giờ 40 phút, chỉ trong chốc lát đã phát hết veo 1.200 suất xôi đậu.

Để có những phần xôi đến tay người nghèo vào sáng sớm tại trụ sở khu phố, ngay từ tối hôm trước, những tình nguyện viên phải ngâm nếp, vo gạo và nổi lửa hong xôi. Mỗi lần thực hiện chương trình, đội tình nguyện nấu 7-8 chõ xôi.

Với mong muốn mang đến những suất ăn chất lượng, lãnh đạo khu phố rất chú trọng khâu chuẩn bị; trong đó, giám sát kỹ các tình nguyện viên thực hiện đúng các quy trình. Mỗi lần thực hiện chương trình “Bếp ăn yêu thương” có khoảng 20-30 người tham gia là thành viên các chi hội phụ nữ, chi hội chữ thập đỏ và các em sinh viên tình nguyện của Trường đại học Giao thông vận tải.

Kinh phí nguyên vật liệu để thực hiện chương trình bếp ăn yêu thương này gồm: gas, bếp, gạo nếp, đậu… từ nguồn ủng hộ của người dân trong khu phố. Các bạn sinh viên tình nguyện cũng góp sức bằng việc thu gom phế liệu bán lấy tiền mua gas nấu bếp.

Anh Trương Phước Mạnh, Hội trưởng Chữ thập đỏ khu phố 16, người trực tiếp đứng bếp nấu xôi đậu từ năm 2021 đến nay chia sẻ: “Hồi đầu tập tành nấu xôi, nhờ sự hướng dẫn của các anh, chị đi trước, tôi dần dần có kinh nghiệm và lên tay. Sau khi đi làm việc về, tôi tranh thủ thời gian tối cùng mọi người nấu xôi đậu làm từ thiện cho người dân nghèo. Có một kỷ niệm là trong một lần nấu xôi thì bếp hết gas. Vì giữa khuya không mua được bên ngoài, tôi phải chạy về nhà mang bếp gas của gia đình lên trụ sở khu phố nấu tiếp. Mỗi tháng nấu hai đến ba lần nên thành quen, nếu không nấu lại thấy nhớ. Khi phát suất ăn, thấy người dân nhận vui vẻ, trong lòng mình cũng xúc động”.

Khẳng định quyết tâm tiếp tục thực hiện các bếp ăn tình thương trong thời gian tới, lãnh đạo các khu phố đều chia sẻ: Đây chính là tình thương và trách nhiệm hỗ trợ những người nghèo khó trong cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Thương tâm sự: “Tôi rất trăn trở vì khu phố này người lao động nghèo ở trọ đông quá. Riêng cụm 4 (gồm năm khu phố 13, 14, 15, 16, 21) tại phường Tăng Nhơn Phú A đã có hơn 5.000 người ở trọ, phần đông là công nhân, lao động vãng lai, sinh viên ở tỉnh về trọ học và làm việc.

Thấy người dân nhận và trân trọng các suất ăn, mình cảm thấy áp lực cho bản thân cần phải nâng cao trách nhiệm làm thật tốt chương trình này, vì người nghèo vẫn còn nhiều rất cần sự trợ giúp của cộng đồng và chính quyền địa phương.