Thực tiễn đời sống đã làm xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Nhiều chính sách hiệu quả
Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 53 dân tộc thiểu số cùng chung sống với hơn 468.000 người, chiếm 5,2% dân số thành phố, trong đó, dân tộc Hoa chiếm 81,8%, dân tộc Khmer 10,8%, dân tộc Chăm 2,2%, và các dân tộc thiểu số khác chiếm 5,2%.
Giai đoạn 2019-2024, thành phố đã triển khai hiệu quả các chính sách trên tất cả các lĩnh vực đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tại thành phố Thủ Ðức, địa phương có 29 dân tộc thiểu số sống đan xen, chính quyền luôn tạo điều kiện, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Tương tự, tại quận Bình Tân, có hơn 40.000 người dân tộc thiểu số (chiếm gần 5% dân số của quận) với 27 thành phần dân tộc đang sinh sống. Trong 5 năm qua, quận đã hỗ trợ 1.326 thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.238 trường hợp, trao 306 phương tiện làm ăn, hỗ trợ 247 hộ vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi với tổng số tiền là 15,8 tỷ đồng, giới thiệu việc làm cho 1.504 trường hợp, hỗ trợ sửa chữa 13 căn nhà.
Trong giai đoạn 2019-2024, quận Bình Tân thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí đối với 1.883 học sinh dân tộc Khmer, dân tộc Chăm từ mẫu giáo đến trung học phổ thông với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên, học sinh, người làm công tác nghiên cứu; triển khai hỗ trợ học nghề đối với 27 trường hợp lao động là người dân tộc thiểu số với tổng số tiền 605,4 triệu đồng.
Ðánh giá về các chính sách của thành phố đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Tiến sĩ Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han), dân tộc Chăm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, chính sách đặc thù để thực hiện chính sách dân tộc nhằm đồng hành và phát triển cùng với văn hóa các dân tộc thiểu số.
Qua từng năm, các chính sách đã góp phần làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế, tinh thần cho đồng bào. Công tác giảm nghèo đã góp phần tạo việc làm, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Ðồng bào các dân tộc tiếp cận các dịch vụ xã hội, kinh tế bình đẳng, thiết thực để cải thiện đáng kể và từng bước được nâng cao mức sống.
Phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc
Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số như miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm.
Với tinh thần đoàn kết, đồng hành, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, hăng hái thi đua lao động trong các hoạt động kinh tế, sản xuất, văn hóa, du lịch…
Thực tiễn đó cũng xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực. Ðến nay, thành phố có gần 1.200 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số đảng viên người dân tộc thiểu số là hơn 2.700 người, riêng giai đoạn 2019-2024, các địa phương, đơn vị đã kết nạp 527 đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại Ðại hội các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024 mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia thống nhất, gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14,2 triệu người. Thành phố Hồ chí Minh có 53 thành phần dân tộc thiểu số cùng chung sống. Trong 5 năm qua, Ðảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chủ trương đúng đắn, triển khai thực hiện toàn diện các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện sinh kế và phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy những điều đó, thời gian tới, đồng chí Hầu A Lềnh mong chính quyền thành phố tiếp tục sáng tạo, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, có nhiều giải pháp đột phá, trọng tâm, trọng điểm để thực hiện hiệu quả đi đầu trong cả nước hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục phát huy và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số...
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Ðề nghị các cấp ủy quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò người có uy tín của đồng gắn liền với việc sâu sát, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các giới; tiếp tục mở rộng, đổi mới đa dạng hình thức tuyên truyền nội dung hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn liền mỗi hoạt động, chương trình hành động triển khai nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ðại hội đại biểu dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024 vừa được tổ chức với 250 đại biểu chính thức đại diện hơn 468.000 người dân tộc thiểu số tham dự. Ðại hội đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu trong thời gian tới như: Ðến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp; hơn 95% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và được bồi dưỡng, đào tạo về các lĩnh vực, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu.