Tính đến nay, Nhật Bản có khoảng 1.770 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 5,88 tỷ USD, đứng thứ ba trong số 127 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kỳ vọng từ động lực mới
Theo thống kê, từ tháng 4/2024 đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JCCH) đã kết nạp thêm 56 doanh nghiệp hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 1.078 công ty và đang tiệm cận đến con số 1.100.
Với quy mô này, JCCH tiếp tục giữ vững ngôi vị thứ ba trong tổng số gần 100 Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại các quốc gia trên thế giới, chỉ xếp sau Thượng Hải (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan).
Trong số hơn 1.000 hội viên này, có gần 730 doanh nghiệp có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ðánh giá tiềm năng của địa phương, ông Nozaki Takao, Chủ tịch JCCH cho biết: Với sự tăng trưởng về dân số cũng như thu nhập bình quân đầu người, trong những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ở lĩnh vực dịch vụ phục vụ thị trường nội địa. Về kết cấu hạ tầng, sắp tới tuyến metro số 1 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Ðây được xem là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị Việt-Nhật và được đặt nhiều kỳ vọng, trong đó việc phát triển đô thị chung quanh các khu vực nhà ga là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển dọc tuyến đường sắt. Ở lĩnh vực này, Nhật Bản có nhiều doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm, sở hữu các công nghệ tiên tiến, hy vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển đô thị thành phố lấy trục metro số 1 làm trung tâm.
Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang chọn đẩy mạnh tăng trưởng xanh cho chiến lược phát triển thành phố, và đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030. Ðể đạt được mục tiêu này, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) là điều không thể thiếu.
Với bề dày kinh nghiệm và các công nghệ tiên tiến hiện đại, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn góp phần đồng hành cùng thành phố trong triển khai hiện thực hóa các tiêu chí ESG này.
Ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việt Nam là một quốc gia tràn đầy sức trẻ với độ tuổi bình quân hiện tại là 32,4 tuổi, và đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới với nguồn lực lao động ưu tú. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ tạo nên một động lực thúc đẩy to lớn để tăng trưởng kinh tế và cải tiến kỹ thuật. Nhật Bản cũng mong muốn tận dụng cơ hội này để hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, việc thúc đẩy trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng là một chủ đề quan trọng. Qua đó, kỳ vọng vào việc hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam, sự giao hòa giữa kỹ thuật và kinh nghiệm của Nhật Bản với sức trẻ và nguồn nhân lực ưu tú của Việt Nam sẽ tạo ra một giá trị mới không chỉ tại châu Á mà còn trên toàn thế giới.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Ðể tạo tính "hấp dẫn" cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút gây dựng các "sếu đầu đàn", mang tính dẫn dắt nền kinh tế, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Ông Nakagawa Motohisa, Phó Chủ tịch JCCH nêu lên ba lĩnh vực các doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị và cần được cải thiện thông thoáng hơn, đó là: Chính sách lao động; thủ tục thuế và hải quan; môi trường sống. "Thông qua hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, một môi trường kinh doanh tốt hơn sẽ được tạo ra và mối quan hệ tin cậy giữa hai nước sẽ ngày càng bền chặt, kéo theo sự gia tăng đầu tư từ Nhật Bản", ông Nakagawa Motohisa cho biết.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Quách Ngọc Tuấn cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường tiềm cho các nhà đầu tư từ các quốc gia, trong đó có các nhà đầu tư của Nhật Bản. Thành phố luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Với kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và các cơ sở dịch vụ được đánh giá là tốt nhất của cả nước, thành phố đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thành phố định hướng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao với bốn ngành công nghiệp trọng điểm hiện tại (sản xuất điện tử; hóa dược, cao su, nhựa; cơ khí chính xác; chế biến thực phẩm, đồ uống); năm ngành công nghiệp công nghệ cao mới (công nghệ sinh học; dược phẩm; tự động hóa-robotics; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao) và sáu ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng (du lịch y tế; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; thương mại điện tử; y tế và chăm sóc sức khỏe; vận tải và logistics; công nghệ giáo dục). Ðồng thời, hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; trung tâm công nghệ số, công nghệ thông tin…
Ðể thực hiện các mục tiêu nêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh vượt trội, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, thành phố tiếp tục khẳng định cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch hơn nữa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thành phố cũng mong muốn các nhà đầu tư phải có định hướng chuyển đổi sang ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường để đáp ứng định hướng, mục tiêu phát triển của thành phố.