Bày tỏ niềm vui các sản phẩm mới vừa tung ra thị trường Tết đã được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) Nguyễn Đặng Hiến cho biết: Nhà máy đang cấp tập sản xuất, tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. “Tết này, nhiều sản phẩm mới của công ty sử dụng nguyên liệu trong nước, như củ hồng đẳng sâm của Tây Nguyên làm nước tăng lực. Sản phẩm mới vừa ra mắt đã bán hết khiến chúng tôi rất phấn khởi.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn liên tục đưa thêm nhiều sản phẩm mới từ trái sim rừng, chanh dây, nước dừa và cơm dừa… dưới dạng nước uống đóng chai và lon. Hy vọng các sản phẩm này sẽ tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong mùa Tết 2025”, ông Hiến hào hứng nói.
Nhìn nhận về thị trường Tết năm nay, ông Hiến cho rằng: Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, nhất là khi giá đường và một số nguyên vật liệu sản xuất, bao bì nhựa… tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng 6-7%; hàng hóa ngoại nhập giá rẻ cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, ông Hiến nhận định: Nếu doanh nghiệp tăng giá bán tương ứng với mức tăng giá thành, e rằng khó cạnh tranh trên thị trường, vì người tiêu dùng không chấp nhận. Trước tình hình đó, Bidrico phải nội hóa nguồn nguyên liệu trong nước, chuyển sang sử dụng nguyên liệu được chiết xuất từ thiên nhiên và trái cây trong nước thay vì nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ.
“Chúng tôi tăng sản lượng sản xuất khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, kỳ vọng sức mua sẽ cải thiện do người tiêu dùng vẫn trong xu hướng giảm tiêu thụ rượu, bia, thay thế bằng những loại nước giải khát khác”, ông Hiến kỳ vọng.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An Bùi Thanh Tùng cho biết: Trước đây, người ta biết đến Tường An thông qua dầu ăn và bơ thực vật thì nay đã có thêm nước mắm, nước chấm, hạt nêm, các dòng sản phẩm bơ mới, đáp ứng nhu cầu chế biến đa dạng của người tiêu dùng. Với hệ thống phân phối 450.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc sẽ là lợi thế lớn để doanh nghiệp tiếp tục đưa những sản phẩm Tết đến với khách hàng.
Ngoài ra, đơn vị đưa sản phẩm quảng bá rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử. “Mùa Tết năm nay, người tiêu dùng sẽ tiếp tục bám sát việc tiêu dùng thông minh, xu hướng mua sắm đã nổi lên từ sau dịch Covid-19 đến nay. Những sản phẩm thiết yếu, cần thiết sẽ là ưu tiên hàng đầu trong giỏ sản phẩm của người tiêu dùng”, ông Tùng cho biết.
Để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm, các doanh nghiệp còn tận dụng kênh thương mại điện tử, bán hàng phát trực tiếp. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (thành phố Thủ Đức) Phạm Văn Việt chia sẻ: Công ty vừa tổ chức hình thức mới là phát trực tiếp trên các nền tảng số để bán lẻ.
“Thay vì bán hàng từ 20 giờ đến 23 giờ như thường lệ, chúng tôi đã khảo sát thông tin mua sắm của khách hàng trẻ trên các sàn thương mại điện tử và thấy rằng, thói quen của khách hàng thay đổi. Vì vậy, công ty thay đổi thời gian từ 22 giờ đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Trong đó, cao điểm “giờ vàng” từ 0 giờ đến 2 giờ sáng được khách hàng xem nhiều nhất”, ông Việt thông tin.
Đặc biệt, nhiều đơn vị bán lẻ còn gửi thư đến tận nhà mời khách đến siêu thị tham quan, mua sắm Tết. Đơn cử như hệ thống MM Mega Market Việt Nam trong những ngày qua đã mời nhiều khách hàng đến 21 trung tâm của MM trên toàn quốc để tham quan, gặp gỡ các doanh nghiệp đang bán hàng tại siêu thị giúp cung-cầu gặp nhau. “Cuối năm và Tết Nguyên đán 2025 là thời điểm thị trường rất sôi động.
Dự đoán nhu cầu mua sắm tăng lên, vì vậy chúng tôi đặc biệt đẩy mạnh chiến lược “Mua càng nhiều-Giá càng rẻ” và duy trì nguồn hàng bình ổn, chuẩn bị cho làn sóng tiêu dùng nhộn nhịp sắp tới”, đại diện hệ thống MM Mega Market Việt Nam thông tin.
Các siêu thị cũng đang tập trung đẩy mạnh cung ứng hàng hóa giá tốt ra thị trường. Hệ thống Satra đã làm việc với các nhà cung cấp nhiều tháng liền để bảo đảm giá và nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.
Theo đó, tổng giá trị hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu dự trữ cho dịp Tết Nguyên đán 2025 ước tăng từ 15-20% so với năm ngoái. Saigon Co.op dành khoảng 10.000 tỷ đồng hàng Tết, tăng 20-50% tùy nhóm hàng. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho nhóm hàng bình ổn thị trường như gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng, đặc sản...
Vào những ngày cận Tết, các siêu thị Co.opmart sẽ tổ chức nhiều hơn các chuyến hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, khu vực bị ảnh hưởng của bão lũ. Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan Phan Văn Dũng cho biết: Đơn vị đã chuẩn bị ngân sách 540 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ để thực hiện kế hoạch hàng Tết 2025.
Trong đó, thực phẩm tươi sống dự kiến cung ứng ra thị trường gần 930 tấn, thực phẩm chế biến khoảng 3.700 tấn (tăng 5-8% so với Tết 2024). Theo Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Lý Kim Chi, để kích thích sức mua, các doanh nghiệp trong hội đã đưa ra mẫu mã mới đa dạng, cố gắng giữ vững giá cả. Trước lo ngại sức mua chậm, hầu hết doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận để không tăng giá vào thời điểm cuối năm.
Sở Công thương thành phố vừa có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức theo dõi diễn biến thị trường giá hàng hóa, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa.
Ban quản lý các chợ được yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá, chất lượng hàng hóa, việc cân, đong hàng hóa, niêm yết giá trong phạm vi quản lý của chợ. Doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ động nguồn hàng, cung ứng sản lượng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống, tăng cường khuyến mãi, giảm giá trước, trong và sau Tết.
Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định: Từ nay đến cuối năm, Sở tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ dịp cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Các ngân hàng ở thành phố đang cho vay gần 10.000 tỷ đồng với 37 doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối với ngân hàng (gồm doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng) với lãi suất cho vay thấp (bình quân khoảng 4%/năm).
Trong hai tháng cuối năm, ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho vay bình ổn thị trường, góp phần giữ ổn định giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.