Thành phố Hồ Chí Minh có 125 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn. Tính đến ngày 30/10 năm nay, số cấp mới và điều chỉnh dự án còn hiệu lực tại thành phố là 13.391 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 58,39 tỷ USD.
Thỏi nam châm thu hút đầu tư
Cùng với quy mô dân số đông (hơn 10 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số cả nước), tổng số lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt ngưỡng năm triệu người, là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố cũng là nơi tập trung đến 54% số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước, là nơi có môi trường hành nghề logistics lớn nhất nước, cung cấp nhân lực logistics cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trên cơ sở đó, thành phố xác định phải trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nhân lực logistics cho khu vực phía nam và cả nước. Về hạ tầng giao thông, thành phố có đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không hiện đại, với hàng loạt hạ tầng như metro, cao tốc đang xây dựng, kinh tế phát triển mạnh mẽ, là thỏi nam châm thu hút đầu tư mạnh của đất nước và nước ngoài trong những năm qua.
Đồng thời, cùng với các địa phương lân cận đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, là đòn bẩy để thành phố kết nối tốt hơn trục hành lang trong khu vực và quốc tế.
Cụ thể, về đường bộ, có tuyến đường xuyên Á và các tuyến quốc lộ, cao tốc kết nối các tỉnh, thành phố phía nam, Tây Nguyên. Đặc biệt, tuyến đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đang được triển khai đầu tư và dự kiến hoàn thành tháng 6/2026. Đường sắt, thành phố có tuyến đường sắt bắc-nam.
Đối với đường sắt đô thị, thành phố đã quy hoạch tám tuyến và đang xây dựng tuyến Metro số 1 từ Bến Thành-Suối Tiên, dự kiến vận hành vào cuối năm 2024. Về đường thủy, Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu nhiều cảng quốc tế và nội địa như: Cảng Tân Cảng-Cát Lái hiện là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam (với tổng diện tích hơn 120 ha; bãi container 1.050.000 m2; diện tích kho 30.000 m2; tổng chiều dài cầu tàu 1.500m; có khả năng tiếp nhận cùng lúc bảy tàu container có trọng tải 30.000-40.000 DWT, tương đương sức chở hơn 2.000 TEU…).
Sản lượng hàng hóa qua cảng này chiếm khoảng 85% sản lượng hàng hóa qua các cảng phía nam và 50% sản lượng hàng hóa qua các cảng cả nước. Trong khi đó, đường hàng không có sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích 850 ha, đứng thứ hai về mặt diện tích, đứng thứ nhất về mặt công suất nhà ga Việt Nam và đang trong quá trình nâng cấp, xây dựng thêm nhà ga T3...
Thu hút có chọn lọc
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều diễn đàn để tìm cơ hội thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, mang hàm lượng chất xám cao, mang tính dẫn dắt cho ngành công nghiệp. Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Bulgaria được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, thành phố là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện, thành phố hướng đến thu hút mạnh đầu tư vào các lĩnh vực như trung tâm công nghiệp công nghệ cao với bốn ngành công nghiệp trọng điểm hiện tại (sản xuất điện tử; hóa dược, cao su, nhựa; cơ khí chính xác; chế biến thực phẩm, đồ uống); năm ngành công nghiệp công nghệ cao mới (công nghệ sinh học; dược phẩm; tự động hóa-robotics; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao); và sáu ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng (du lịch y tế; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; thương mại điện tử; y tế và chăm sóc sức khỏe; vận tải và logistics; công nghệ giáo dục).
Tại diễn đàn này, Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi các nhà đầu tư Bulgaria đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, tự động hóa... bởi Bulgaria là quốc gia có tiềm lực mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp hữu cơ, y dược, và năng lượng tái tạo… Đây là những lĩnh vực mà thành phố đang đặc biệt quan tâm và mong muốn hợp tác, học hỏi.
Ngược lại, là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, với lực lượng lao động trẻ, năng động, thành phố là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư lâu dài; trong đó, có các nhà đầu tư đến từ Bulgaria.
Theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh đang bước sang giai đoạn mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư, với quan điểm kiên quyết không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động, tiêu hao năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành phố áp dụng các cơ chế, chính sách đột phá tạo cơ hội lớn để thu hút các nhà đầu tư với những dự án lớn, tầm cỡ. Trong đó, ưu tiên thu hút các lĩnh vực về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn về các dự án trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch…