Tạo lập tín chỉ các-bon trong lĩnh vực giao thông vận tải

Trong tổng số 35 triệu tấn phát thải thải ra môi trường mỗi năm tại Thành phố Hồ Chí Minh, lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 13 triệu tấn. Ðây được xem là "thủ phạm" chính gây ra ô nhiễm không khí và môi trường ở đô thị lớn nhất nước. Cùng với mục tiêu chuyển đổi phương tiện giao thông, giải pháp tạo lập tín chỉ các-bon được xem là ưu tiên và cấp thiết mà chính quyền thành phố cần tập trung thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Xe buýt điện thân thiện, hiện đại, hạn chế khí thải sẽ là phương tiện giao thông công cộng thành phố ưu tiên chuyển đổi và đầu tư.
Xe buýt điện thân thiện, hiện đại, hạn chế khí thải sẽ là phương tiện giao thông công cộng thành phố ưu tiên chuyển đổi và đầu tư.

Ưu tiên tạo lập tín chỉ các-bon từ tiền ngân sách

Theo Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện, bao gồm hơn 7,6 triệu xe máy, đa phần là xe chạy bằng nhiên liệu xăng, đã góp phần không nhỏ làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí ở thành phố, nhất là tình trạng phát thải các-bon đáng kể, với tổng lượng phát thải ước tính khoảng 35 triệu tấn mỗi năm.

Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải góp phần với khoảng 13 triệu tấn. Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, thành phố hiện có hơn 700.000 xe ô-tô và hơn hai triệu phương tiện các loại của người dân từ khu vực khác di chuyển vào thành phố.

Trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, thành phố đã đề ra chương trình giảm ô nhiễm cho giai đoạn 2020-2030, đặt mục tiêu giảm 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030.

Chương trình này cũng hướng tới phát triển tín chỉ các-bon thông qua khuyến khích chuyển đổi năng lượng xanh, phù hợp với Quyết định 876/QÐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm phát thải các-bon và khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải.

Thạc sĩ Trần Trọng Tín, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho biết: Chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh như xe điện là một trong những hướng đi khả thi nhằm giảm phát thải các-bon.

Thực tế tại thành phố, nhiều năm qua, một tuyến xe buýt điện do tư nhân đầu tư vận hành là một thực tế cấp thiết của chuyển đổi phương tiện, giảm phát thải.

Dẫn chứng câu chuyện của nước láng giềng Thái Lan, ông Trần Trọng Tín chia sẻ thêm: Thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng đối mặt với những thách thức đô thị tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh, như tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng và tắc nghẽn giao thông. Chính phủ nước này đã triển khai các cơ chế tín chỉ các-bon trong giảm phát thải phương tiện cá nhân như: Thực hiện các chính sách để thúc đẩy việc chuyển đổi xe điện (bao gồm cả các khoản giảm thuế và trợ cấp); phát triển cơ sở hạ tầng sạc (Bangkok đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc, nhất là ở các khu vực công cộng và tòa nhà thương mại); trợ cấp cho các doanh nghiệp và tổ chức lắp đặt trạm sạc xe điện, khuyến khích phát triển mạng lưới sạc…

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với con số đáng báo động về phát thải thì chính quyền thành phố phải dành sự quan tâm và ưu tiên thực hiện các giải pháp chuyển đổi phương tiện "xanh", trong đó xác định chủ trương phải dùng ngân sách để tạo lập tín chỉ các-bon. Ðây cũng là điều kiện mà Nghị quyết số 98 cho phép.

Theo ông Lịch cần tám nhóm giải pháp đồng bộ làm cơ sở tạo lập tín chỉ các-bon đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, cần ưu tiên phát triển giao thông công cộng (như hệ thống metro, xe buýt điện, xe đạp điện…) mà cốt lõi là phải giảm phương tiện cá nhân vì đây là điều kiện tiên quyết để giảm phát thải. Bên cạnh đó, nhóm giải pháp cũng rất quan trọng mang tầm chính sách quốc gia như phát triển xe điện, xe ô-tô điện thông qua chính sách giảm mạnh về thuế, trợ giá để chuyển đổi phương tiện. Nhóm nữa là công tác giáo dục cộng đồng cũng phải được đề cao, vì ý thức người tham gia giao thông là vô cùng quan trọng.

Chuyển đổi phương tiện cùng với tạo lập tín chỉ các-bon

Nhận thức được sự cấp thiết của việc giảm phát thải, thành phố đã và đang thực hiện các giải pháp chuyển đổi "xanh" thông qua các chương trình, đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải như đến năm 2030 có khoảng 623 xe buýt chạy bằng khí CNG (khí thiên nhiên nén), đồng thời sử dụng xe buýt điện từ năm 2025 và đạt tỷ lệ 30% vào năm 2023.

Bên cạnh đó, thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ ô-tô điện là 30% và xe máy điện là 22% vào năm 2030. Thành phố cũng đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 trong tháng 12/2024, đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 hoàn thành sáu tuyến metro với chiều dài 183 km.

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường đại học Việt Ðức đồng tình với thành phố việc thúc đẩy nhanh đề án chuyển đổi phương tiện, nhất là chuyển đổi "xanh" để kiểm soát khí thải. Nhận định về việc tạo lập tín chỉ các-bon, ông Tuấn cho rằng, thành phố nên tính toán ưu tiên giải pháp đầu tư chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng hơn là chỉ chú trọng vào việc tạo lập thị trường các-bon. Thị trường các-bon chỉ là "mồi", không phải là đích đến nên thành phố phải ưu tiên đầu tư chuyển đổi xanh, chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện điện như xe buýt điện, ô-tô điện, metro như vậy mới giảm ô nhiễm một cách hiệu quả và bền vững.

Theo ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Các-bon Asean, Thành phố Hồ Chí Minh nên làm thí điểm một dự án quy mô nhỏ để tạo ra tín chỉ các-bon vì thí điểm chính là cách giúp chính quyền thành phố có kinh nghiệm, rút ra được bài học thực tế với từng địa phương kèm theo chính sách, cơ cấu về tài chính và cách triển khai. Sau khi thí điểm thành phố có thể mở rộng quy mô cho toàn địa bàn.

Chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện không chỉ có lợi cho người sử dụng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Việc giảm phát thải các khí độc hại như CO2, NOx và SOx từ xe máy điện có thể cải thiện đáng kể chất lượng không khí, giảm tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch cho người dân. Nếu 20% số phương tiện giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang dùng điện, thành phố có thể giảm phát thải hàng trăm nghìn tấn CO2 mỗi năm, đóng góp lớn vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia.