Nâng cao chất lượng cán bộ trong bộ máy chính quyền số

Từ năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số, tầm nhìn đến năm 2030 “Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số”.
0:00 / 0:00
0:00

Thực tiễn triển khai cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là ở chính quyền cơ sở, đang cần đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng cao tham gia vận hành hiệu quả bộ máy chính quyền số.

Theo Chương trình chuyển đổi số, còn hơn một năm, Thành phố Hồ Chí Minh tiến đến mốc thời gian 2025 với các mục tiêu: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; kinh tế số dự kiến chiếm 25% GRDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%.

Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 40% GRDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%. Để quá trình xây dựng chính quyền số bảo đảm kế hoạch và đưa vào vận hành một cách hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền vừa có trình độ chuyên môn sâu, vừa thành thạo công nghệ số.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn nhân lực này ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu và yếu về năng lực, nhất là ở chính quyền cơ sở. Tại nhiều phường, xã trên địa bàn thành phố, do chưa có chức danh công nghệ thông tin nên lãnh đạo thường phân công các nhân sự thạo công nghệ thông tin tham gia công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ, công chức, viên chức cần có kiến thức về phần mềm, bảo mật, an toàn thông tin mạng…

Trong thời gian qua, bên cạnh chú trọng phát triển hạ tầng số, nền tảng số, Thành phố Hồ Chí Minh còn tập trung công tác đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ số tồn tại những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong điều kiện khối lượng công việc rất lớn, áp lực nặng nề.

Tình trạng thiếu nhân lực thuộc những ngành mà chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đang cần như: Trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), chuỗi khối (blockchain)... diễn ra phổ biến. Trong khi đó, công tác đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số vẫn còn nhiều hạn chế.

Để đạt được mục tiêu Chương trình chuyển đổi số, Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phục vụ tốt cho công cuộc xây dựng chính quyền số thành công. Theo Tiến sĩ Trương Đức Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn nữa trong việc lựa chọn, bố trí sắp xếp vị trí cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin đúng người, đúng việc.

Ngoài ra, thành phố nghiên cứu tổ chức tập huấn ngắn hạn về chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo quản lý, cán bộ chủ chốt của các cơ quan nhà nước từ cấp phường, xã trở lên về các nội dung: Chiến lược phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tổ chức bộ máy theo mô hình dịch vụ số, mô hình hoạt động số; quản lý và theo dõi số trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Song song đó, thành phố cần triển khai hiệu quả chủ trương thu hút các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng nhất là trong lĩnh vực công nghệ số; quan tâm đến chế độ đãi ngộ thật sự xứng đáng và khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ, công chức có tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu, cũng như trực tiếp thực thi nhiệm vụ được giao để cùng chung tay xây dựng thành phố phát triển.