Từ những năm đầu của thế kỷ 21, nước ta đã tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng công trình xanh: đến nay toàn quốc có hơn 300 dự án công trình được công nhận đạt tiêu chuẩn xanh. Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đang trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu cả nước. Với tốc độ tăng trưởng dân số đô thị nhanh, kéo theo nhu cầu nhà ở ngày càng tăng, dẫn đến hàng loạt các công trình xây dựng được triển khai xây dựng.
Giống như các quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải giải quyết những hậu quả tất yếu của quá trình đô thị hóa, bao gồm tình trạng thiếu năng lượng, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm và các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Tuy nhiên, vấn đề phát triển công trình xanh tại nước ta vẫn chưa được phổ biến bởi nhiều nguyên nhân, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển công trình xanh.
Trong những năm gần đây, hiện tượng nóng lên toàn cầu thật sự là vấn đề đáng lo ngại. Lĩnh vực xây dựng cũng tác động không nhỏ đến sự nóng lên toàn cầu. Việt Nam được cảnh báo là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh được xác định nằm trong mười thành phố trên thế giới bị tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Thực tế đã chứng minh, công trình xanh không chỉ mang đến các thay đổi tích cực về cảnh quan, mà còn thiết lập một nền tảng thực tế, năng động để nghiên cứu sự phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, các công trình xanh được chứng nhận thông qua nhiều bộ công cụ đánh giá công trình xanh khác nhau của các tổ chức trong nước và quốc tế như: LEED (Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), LOTUS (Hội đồng Công trình xanh Việt Nam), VACEE (Hội Môi trường xây dựng Việt Nam)… Việc nước ta chưa có một bộ công cụ đánh giá công trình xanh thống nhất, cũng như chưa có chứng nhận công trình xanh được thực hiện bởi cơ quan nhà nước đã dẫn đến tình trạng phát triển công trình xanh mang tính tự phát, khó quản lý. Nhiều công trình được gắn mác xanh nhưng không chứng minh được các số liệu cho thấy đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường.
Để khuyến khích phát triển công trình xanh, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050, việc xây dựng và ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam là rất cần thiết; đồng thời, cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh, cũng như ban hành các quy định pháp luật về thực hiện chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển công trình xanh. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế về xây dựng các quy định pháp luật để giải quyết các vấn đề về quy hoạch sử dụng đất cho công trình xanh; xếp hạng, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm định theo định kỳ; ưu đãi dự án công trình xanh…
Trong tương lai xa, cần có một bộ luật về công trình xanh như các nước phát triển trên thế giới để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc thực hiện các dự án công trình xanh.