Tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong 5 năm qua có khoảng 1.500 cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và số đăng ký về bảo hộ sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm OCOP được giới thiệu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sản phẩm OCOP được giới thiệu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn 25 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng 7 cả nước.

Kết quả này cho thấy, tri thức, tài sản trí tuệ có đóng góp, tác động lớn đến bức tranh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, số đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/một vạn dân, đơn đăng ký nhãn hiệu/1.000 doanh nghiệp và đơn đăng ký thiết kế kiểu dáng công nghiệp/một vạn dân của tỉnh vẫn còn thấp, chỉ đạt 12,14 điểm.

Nguyên nhân thực trạng này một phần là do các tổ chức, cá nhân còn hạn chế về nhận thức cũng như thiếu quan tâm công tác bảo vệ tài sản trí tuệ. Trong khi đó hiện nay, phần lớn các kênh thương mại (bán hàng) đều yêu cầu, kiểm tra rất kỹ nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận bảo hộ tài sản trí tuệ… đối với sản phẩm hàng hóa. Nếu còn mù mờ về sở hữu trí tuệ thì hàng hóa rất khó được lưu thông trên thị trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của tri thức, tài sản trí tuệ đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã rất quan tâm lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Quyết định số 1470/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu chung là đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tất cả viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo được tập huấn, đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ; có ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và 30 sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu mỗi năm sẽ có ít nhất năm sáng chế, 20 kiểu dáng công nghiệp, 200 nhãn hiệu, từ một đến ba giống cây trồng được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; có ít nhất 15 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và 50 sản phẩm OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Ngày 14/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND quy định mức chi hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới trên địa bàn tỉnh thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (đã được phê duyệt tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ). T

rong đó, mức chi hỗ trợ (bằng ngân sách) đối với đăng ký bảo hộ trong nước là 30 triệu đồng/đơn đăng ký (bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới) và 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ (bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu); còn mức chi hỗ trợ đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài là 60 triệu đồng/đơn.

Qua những chính sách nêu trên, tỉnh kỳ vọng hoạt động và công tác đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên địa bàn sẽ sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa, ngày càng phổ biến và trở nên quen thuộc đối với người dân, doanh nghiệp, các tổ chức… Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; qua đó, nâng cao được trình độ sản xuất, chất lượng hàng hóa và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế tỉnh nói chung. Không những vậy, các chính sách này cũng sẽ góp phần đáng kể đối với việc bảo vệ và thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, hình thành văn hóa kinh doanh văn minh hơn; giúp doanh nghiệp gia tăng nhiều cơ hội đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế.