Phần lớn hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng 130 hợp tác xã. Trong năm 2023 đã có 19 hợp tác xã được thành lập trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã hoạt động và phát triển đa dạng, dần thích ứng với những thay đổi, biến động của thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung. Các tổ chức kinh tế tập thể ngày càng quan tâm ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao năng suất lao động và giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ .
Các mô hình kinh tế tập thể đã đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện các chủ trương và chính sách về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo, góp phần xây dựng đời sống văn hóa nông thôn ngày càng văn minh.
Tuy vậy, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều điểm yếu cần sớm khắc phục. Trước hết, phương thức tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã còn chưa chặt chẽ, thiếu chuyên nghiệp. Phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, ít vốn, năng lực cạnh tranh còn thấp, định hướng và kế hoạch sản xuất, kinh doanh chưa sâu sát với nhu cầu của thị trường, dẫn đến phương án sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả và thiếu bền vững.
Song song với đó, nhiều hợp tác xã và tổ hợp tác thiếu nhân lực quản trị, thiếu lao động được đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, chưa chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị, ít quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao, còn khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, tỷ lệ hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả còn thấp; sự phát triển của các đơn vị kinh tế tập thể cũng chênh lệch giữa các lĩnh vực, các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do các hợp tác xã và tổ hợp tác còn hoạt động manh mún, ít nhiều mang tính phong trào; nhận thức về kinh tế tập thể của các thành viên còn hạn chế, chưa hiểu hết tiềm năng vốn có cũng như chưa biết vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Cùng với đó, phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành kinh tế tập thể đã lớn tuổi, thiếu cán bộ trẻ, công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, thu nhập của cán bộ kinh tế tập thể còn thấp cho nên chưa thu hút được người có năng lực tốt tham gia. Không những vậy, nhiều cán bộ kinh tế tập thể chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ thuật… và làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Trước tình hình đó, để tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao năng lực, khẳng định vị trí và vai trò của kinh tế tập thể trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh năm 2024. Mục tiêu của kế hoạch là đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ có 194 hợp tác xã với tổng số 12.290 thành viên; doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã khoảng 2 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã đạt khoảng 72 triệu đồng/người/năm; có khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị…
Để đạt được mục tiêu nêu trên, các cơ quan và đơn vị liên quan của tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế tập thể; thực hiện và hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức, đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể…
Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế tập thể tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công và hỗ trợ thương mại điện tử của ngành công thương để đổi mới về phương thức hoạt động, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, các tổ chức kinh tế tập thể cần đổi mới tư duy, hình thức hoạt động theo hướng phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên; khuyến khích việc tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề bất cập, hạn chế.