Cuối tháng 3 vừa qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra và phát hiện Công ty cổ phần Môi trường Thiên Thanh, địa chỉ tại Tổ 12, Ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có hành vi chôn lấp hàng nghìn tấn rác thải trái phép. Khi phía công ty múc lớp đất bề mặt, cơ quan chức năng phát hiện rác thải có mùi hôi thối nồng nặc, mầu đen sẫm đã được chôn lấp thủ công.
Cạnh bên, một số hố sâu khác đã được bỏ rác xuống và đang chuẩn bị lấp đất để phi tang. Để che giấu, công ty này đã cho công nhân xây dựng tường gạch cao kiên cố khoảng 4m, biệt lập hoàn toàn với khu vực chung quanh. Phía cổng luôn đóng cửa và có lực lượng canh giữ, thậm chí còn đặt biển cấm quay phim, chụp hình.
Nhiều người dân chung quanh phản ánh, mỗi khi có gió thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, người dân cũng nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Tại Bình Dương, tháng 5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố hai bị can là Hứa Đông (ngụ tỉnh Trà Vinh) và Cao Thọ Bình (ngụ tỉnh Bến Tre) để điều tra về tội “Gây ô nhiễm môi trường”. Quá trình thu gom chất thải công nghiệp nguy hại, Hứa Đông đã chỉ đạo cấp dưới chôn lấp chất thải là tro bay, xỉ than xuống khu đất trống tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo với khối lượng hơn 25 nghìn tấn.
Tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An,… việc này càng thêm nhức nhối khi các đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để đổ trộm, chôn lấp rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại ra môi trường nhằm giảm chi phí xử lý.
Có một thực tế rõ ràng là, các chất thải nguy hại, rác thải rắn mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có thể phân hủy nên nạn này cần sớm được các cơ quan ngăn chặn và chủ động thực hiện các giải pháp ngăn ngừa. Theo các chuyên gia về môi trường, để công tác này đạt được hiệu quả, bên cạnh hoạt động nghiệp vụ, các ngành chức năng, các đơn vị, địa phương cần song song làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, đổ chất thải đúng quy định... đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát môi trường với các sở, ngành liên quan; tăng cường giám sát, tuần tra, xây rào chắn các khu vực bãi đất trống để các đối tượng không có cơ hội đổ trộm.
Theo pháp luật hiện hành, các hành vi chôn lấp, đổ chất thải rắn công nghiệp sẽ bị phạt tới 2,5 triệu đồng với cá nhân, 500 triệu đồng với tổ chức. Mức phạt tùy vào loại chất thải và ở khung cao nhất lên tới hàng tỷ đồng, buộc khắc phục hậu quả, khởi tố hình sự, tuy nhiên việc xử lý vi phạm chưa thật sự đạt hiệu quả bởi nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý vi phạm. Vì vậy, công tác phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng là rất quan trọng. Nhiều ý kiến cũng đồng tình với giải pháp bổ sung trang thiết bị hỗ trợ công tác giám sát, quản lý, đấu tranh phòng chống các hành vi đổ trộm chất thải; quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị, địa phương khi để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng về môi trường.