Xử lý nghiêm hành vi xả rác ra kênh, rạch

Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, cư dân đông đúc.
0:00 / 0:00
0:00
Một tuyến kênh chảy qua địa bàn phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức bị ô nhiễm bởi nhiều loại rác thải.
Một tuyến kênh chảy qua địa bàn phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức bị ô nhiễm bởi nhiều loại rác thải.

Bên cạnh các điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương cũng đối mặt nhiều thách thức; trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các kênh, rạch do nhiều người thiếu ý thức gây ra. Hành vi này cần được chấn chỉnh để góp phần bảo vệ môi trường sống.

TẠI Thành phố Hồ Chí Minh, không khó để tìm một tuyến kênh ngập ngụa các loại rác thải từ quá trình sinh hoạt của người dân. Nhiều kênh, rạch bị rác thải phủ lấp với số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường sống suốt nhiều năm qua. Vấn nạn này đã ảnh hưởng cuộc sống, sức khỏe người dân. Thí dụ, tại các tuyến rạch như: Ông Bàu, khu vực quanh Miếu Nổi (Phường 5, quận Gò Vấp), rạch Cầu Làng (phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức)... đều đang bị bao vây bởi rác.

Nhiều loại rác đọng nhiều năm không được xử lý tạo nên hình ảnh phản cảm, bức xúc cho người dân. Những “núi rác” này chứa đủ các loại rác thải: Thùng xốp, túi ni-lông, chai lọ… nổi lềnh bềnh, đóng thành từng mảng lớn trông rất nhếch nhác. Thậm chí, ở nhiều tuyến kênh, cống, người dân còn vứt cả những chiếc nệm, salon… kích thước lớn gây tắc nghẽn dòng chảy và ô nhiễm môi trường.

Đáng nói, nhiều tuyến kênh uốn quanh thành phố đã được thành phố dành hàng chục nghìn tỷ đồng như: kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè; rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương, kênh Tân Hóa-Lò Gốm,… góp phần mang lại bộ mặt đô thị mới nhưng cũng luôn phải đối mặt với tình trạng tái ô nhiễm do ý thức của người dân. Thậm chí, thành phố còn có cả cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” để tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức đối với công tác bảo vệ nguồn nước, môi trường tại các tuyến kênh, rạch.

Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 10 triệu dân, mỗi ngày có hàng chục nghìn tấn rác thải ra nhưng khâu xử lý hiện nay phần lớn là chôn lấp, lâu ngày sẽ có những tác động đến môi trường. Một lượng rác trong số đó không đi thẳng đến bãi rác để xử lý mà bị người dân vứt xuống kênh rạch gây ra những hệ lụy rất tiêu cực đến môi trường. Không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành phố khác trong vùng Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu,… cũng đang đối mặt nhiều vấn đề khác nhau trong nạn ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh, rạch tại địa phương mình.

Thời gian qua, giải pháp mà nhiều địa phương chọn lựa để giảm vấn nạn ô nhiễm môi trường là huy động sức dân, nhất là tuổi trẻ tại các địa phương thực hiện các hoạt động khơi thông, vớt rác dưới lòng kênh. Hoạt động này tạo nên những hiệu ứng rất tích cực khi nhận được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân; nhiều đội nhóm tình nguyện đã lên kế hoạch thực hiện công tác này thường xuyên.

Tuy nhiên, để những dòng kênh, rạch giữ được sự trong lành, nguồn nước tốt nhất, các địa phương, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, việc đầu tư các công trình xử lý rác, nước đạt chuẩn phải song song với xây dựng các chế tài đủ mạnh, làm quyết liệt. Quy định khu vực nội, ngoại thành, trung tâm thương mại, khu công nghiệp đều phải ban hành quy ước ứng xử với môi trường tự nhiên và không xả rác.

Quy ước đặt ra đi kèm theo hình phạt cụ thể, bắt buộc tuân thủ; chế tài phải mang tính răn đe cao, áp dụng mức phạt gấp nhiều lần chi phí xử lý nước thải; thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân việc thu gom, tái chế rác thải để đơn vị thu gom xử lý theo quy trình, không vứt ra môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, cần sử dụng công nghệ hiện đại xử lý rác bằng cách tái chế đồng thời với tiêu hủy nhanh lượng rác lớn; hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải càng sớm càng tốt.

Hiệu quả của giải pháp này có thể thấy được ở kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, từ khi đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải đã góp phần xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước, cá chết dưới kênh. Các đơn vị như trường học, các tổ chức chính trị-xã hội cần có các hoạt động tuyên truyền sinh động, hiệu quả để tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, học sinh trong công tác bảo vệ môi trường sống...