Cơ hội phát triển điện ảnh thành phố

Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất-năm 2024 đã khép lại sau những ngày hoạt động đầy sôi nổi, đồng thời mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của điện ảnh thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu, diễn viên trong lễ bế mạc Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất.
Các đại biểu, diễn viên trong lễ bế mạc Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất.

Có thể nói, Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất đã thật sự trở thành một sự kiện điện ảnh đáng nhớ, đánh dấu sự phát triển không ngừng của điện ảnh Việt Nam và khẳng định vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh như một trung tâm văn hóa-nghệ thuật sôi động và hấp dẫn.

Nhìn lại 8 ngày diễn ra liên hoan (từ ngày 6 đến 13/4), có thể thấy người dân thành phố đã thật sự sống cùng với điện ảnh thông qua nhiều hoạt động hấp dẫn. Bên cạnh các hoạt động triển lãm về điện ảnh chủ đề "Vẻ vang 77 năm Ðiện ảnh cách mạng Việt Nam" và triển lãm Công nghiệp điện ảnh, hoạt động chiếu phim công cộng kết hợp trình diễn nghệ thuật, giao lưu các đoàn làm phim, các diễn viên, đạo diễn, ca sĩ… nổi tiếng qua các thời kỳ tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực công viên bờ sông Sài Gòn-thành phố Thủ Ðức cũng là những hoạt động đáng chú ý trong Liên hoan phim, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng của Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh chương trình chiếu phim, chấm giải, hoạt động hội thảo, tọa đàm là một trong những điểm nhấn quan trọng trong khuôn khổ Liên hoan phim. Nội dung các cuộc hội thảo liên quan chiến lược phát triển điện ảnh thành phố và Việt Nam với sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà quản lý, các cơ quan nhà nước, các nghệ sĩ; trong đó, những nội dung về xúc tiến, phát triển công nghiệp điện ảnh, về hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua điện ảnh được các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận một cách chuyên sâu và đạt chất lượng cao.

Trong suốt Liên hoan phim, có 73 sự kiện đã được tổ chức, 14 phiên hội thảo, tọa đàm và 10 lớp học chuyên môn, thu hút gần 200 khách mời quốc tế từ các nền điện ảnh lớn trên thế giới. Các chương trình này không chỉ là cơ hội để giao lưu, học hỏi mà còn là cầu nối để thúc đẩy hợp tác sản xuất và phát triển điện ảnh giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Ðáng chú ý, chất lượng của các bộ phim tranh giải và chiếu trong các buổi ga-la đã nhận được sự đánh giá cao từ Hội đồng nghệ thuật, Ban giám khảo và khán giả. Ðiểm nhấn đặc biệt là việc giới thiệu các bộ phim lớn mới ra mắt toàn cầu hoặc tham dự các liên hoan phim lớn trên thế giới, qua đó nâng tầm sự kiện lên một đẳng cấp mới.

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là thị trường lớn về lĩnh vực sản xuất, phát hành phim của cả nước; với lực lượng nhà làm phim hùng hậu và số lượng lớn phim sản xuất hằng năm rất đa dạng, phong phú và nhiều thể loại. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành "Ðề án về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030", trong đó ngành công nghiệp điện ảnh được xác định là 1 trong 8 ngành trọng tâm, có tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó phim Việt Nam đạt khoảng 30% doanh thu), đóng góp khoảng 0,4% GRDP vào năm 2025.

Thành phố mong muốn thông qua hoạt động của các liên hoan phim quốc tế sẽ tăng cường thu hút các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp văn hóa nói chung, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Ðể đạt mục tiêu nêu trên, thành phố cần duy trì, tổ chức tốt các cuộc Liên hoan phim ngắn, Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần phát hiện và vinh danh những dự án phim trẻ và nguồn nhân lực trên lĩnh vực điện ảnh của thành phố. Cần xây dựng hệ sinh thái thiết thực, phù hợp ở các liên hoan phim không chỉ để cho những nhà làm phim trẻ có điều kiện học hỏi, giao lưu mà còn giúp người dân thành phố thưởng thức được nhiều bộ phim hay, hiểu hơn về điện ảnh.

Song song đó, thành phố cần đẩy nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh, đồng thời hỗ trợ, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh của thành phố cũng có cơ hội được giới thiệu năng lực, các dự án tới các đối tác để tìm cơ hội hợp tác sản xuất cũng như xuất khẩu ra các thị trường mới. Có như thế, thành phố sẽ có nhiều hy vọng sớm trở thành điểm đến làm phim cho các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, tiến tới hình thành Thành phố Ðiện ảnh (Film City), được công nhận là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.