Cơ cấu lại công nghiệp theo hướng bền vững

Sau thời kỳ đổi mới, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, phát triển công nghiệp của cả nước đã có những bước tiến đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Trưng bày các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp... có bước đi đáng ghi nhận.

TẠI vùng Đông Nam Bộ, nhìn chung, phát triển công nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất, phát triển những khu chức năng công nghiệp, ngành công nghiệp trọng điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao trong, ngoài nước, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, thực tế vẫn còn bộc lộ những bất cập về tổ chức quản lý, về quy trình công nghệ, chiến lược sản phẩm, nhất là về quy hoạch phát triển công nghiệp trong dài hạn. Các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ, nơi được xem là vùng phát triển mạnh về công nghiệp bậc nhất cả nước cũng đang đối mặt thách thức, khó khăn.

Cụ thể, công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp... còn chưa được xem xét tổng thể trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác và với xã hội. Việc quy hoạch khá dàn trải, chủ yếu dựa trên các quỹ đất trống, các khu vực đang tập trung nhiều cơ sở sản xuất... chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng.

Điều này dẫn đến việc chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng, khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh và hiệu quả sử dụng nguồn lực của toàn vùng. Việc phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất theo định hướng bền vững, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ, tạo liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp chưa được chú trọng.

Đặc biệt, xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững còn nhiều bất cập, nếu như không muốn nói là chưa được triển khai, áp dụng tại các địa phương trong vùng. Các khu công nghiệp truyền thống, lâu đời vẫn là khu công nghiệp sản xuất đơn thuần, sử dụng đất chưa hiệu quả, chưa phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp sạch, công nghệ hiện đại, hàm lượng khoa học cao và giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông...

Đặt trong mối quan hệ tổng thể phát triển công nghiệp trong khu vực, cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cần lựa chọn các ngành, các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao để thu hút đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển công nghiệp sạch, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ít ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị hàm lượng chất xám cao; phát triển công nghiệp dựa trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của khoa học-công nghệ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.

Chuẩn bị quy hoạch, sử dụng đất, đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa các khu công nghiệp làm nền tảng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, mở rộng liên kết dịch vụ, sản phẩm, liên kết kinh tế trong và ngoài nước. Việc phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới cần gắn với kinh tế vùng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm. Tập trung cơ cấu lại công nghiệp dựa trên cơ sở nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, khai thác triệt để cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0.