Tình trạng vắng khách không những xảy ra với các sạp, gian hàng đồ gia dụng, điện máy, thời trang, giày, dép… mà còn lan sang các sạp kinh doanh lương thực, thực phẩm. Mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng ít khách ghé mua so với thời gian trước đây.
Tại không ít chợ, người bán đông hơn người mua; một số gian hàng cả ngày hoặc vài ngày vẫn không có khách ghé thăm hoặc khách mua. Nhiều tiểu thương đã phải sang lại sạp hàng, bỏ nghề vì nguồn thu vào không đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Theo một số ban quản lý chợ truyền thống, ước tính sức mua và lượng khách mua sắm giảm từ 50% đến 80% (tùy chợ) so với những năm trước (khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19); một số chợ đã phải tạm ngưng hoạt động; có chợ số sạp đóng cửa, nghỉ bán chiếm từ 50% đến 70% do tình hình buôn bán quá khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến chợ truyền thống đang mất dần lợi thế, hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn, vắng vẻ khách hàng. Trước hết, do người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế không khả quan. Cùng với đó, mô hình bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) ngày càng nở rộ, phát triển mạnh.
Tại các điểm bán lẻ hiện đại, khách hàng được tận hưởng không gian mát mẻ, thoáng đãng, sạch sẽ. Hàng hóa ở đây cũng đa dạng, phong phú hơn nhiều so với chợ truyền thống, lại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, yên tâm hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả được niêm yết công khai. Hơn nữa, người mua được thoải mái, tự nhiên trong việc lựa chọn hàng hóa; thanh toán nhanh gọn bằng nhiều hình thức, kể cả thanh toán trực tuyến.
Hiện nay, nhất là ở hai thành phố Vũng Tàu và Bà Rịa cũng như thị xã Phú Mỹ, nhiều cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống bán lẻ nổi tiếng đã hiện diện trong các khu dân cư. Ðiều này góp phần làm cho sức mua ở chợ truyền thống giảm sút đáng kể. Bên cạnh đó, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, thương mại điện tử với nhiều phương thức kinh doanh đa dạng đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các chợ truyền thống. Với người mua hàng, phương thức mua hàng trực tuyến hoặc qua điện thoại ít tốn thời gian, hàng hóa được giao nhanh, giá cả cũng "mềm" hơn so với mua ở chợ truyền thống, thỉnh thoảng lại được bên bán hàng khuyến mãi, tặng quà…
Ðể chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định và phát triển trong tương lai, các cơ quan và đơn vị chức năng liên quan cần khẩn trương triển khai thực hiện công tác quy hoạch, sắp xếp hợp lý các chợ hiện tại, chuyển đổi mô hình quản lý, hạn chế việc di dời chợ và không để chợ tự phát "xuất hiện"… Tỉnh cần quan tâm bố trí kinh phí để cải tạo, chỉnh trang các chợ bán lẻ tổng hợp để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm của người dân. Các chợ truyền thống nên chuyển sang mô hình quản lý, kinh doanh mới thông qua phương thức xã hội hóa. Việc chuyển đổi mô hình này không những giúp chợ truyền thống nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư, quản lý chợ, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.
Về phía tiểu thương, cần phải có văn hóa ứng xử, giao tiếp, kỹ năng bán hàng hiện đại, không nói thách giá bán hàng hóa…; đồng thời, hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được trưng bày sao cho đẹp mắt, thuận tiện cho việc lựa chọn của người mua. Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, tiểu thương cũng phải biết bán hàng trực tuyến để mở rộng thị trường, tăng doanh số. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tiểu thương tiếp cận công nghệ số để kinh doanh trực tuyến. Các chợ truyền thống cần tạo được không gian, môi trường sạch sẽ, an toàn, thuận tiện cho khách hàng đi tham quan, mua sắm.
Ðể chợ truyền thống thay đổi theo chiều hướng tích cực đòi hỏi cách làm đồng bộ từ chính quyền và các tiểu thương. Ngoài ra, cần gắn kết các điểm bán hàng tại chợ với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương, yêu cầu niêm yết giá bán tại các quầy, sạp trong chợ và bán đúng giá niêm yết, đồng thời từng bước sửa chữa, cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu buôn bán và mua sắm của người dân và du khách.