Hướng đến nền giáo dục toàn diện

Trong quá trình phát triển và hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao của các nước. Công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển nhanh về quy mô, số lượng, loại hình đào tạo đa dạng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Thành phố cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển giáo dục phổ thông theo hướng nâng cao trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh để sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương học sinh giỏi năm học 2022-2023.
Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương học sinh giỏi năm học 2022-2023.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, giáo dục và đào tạo ở địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội năng động bậc nhất cả nước này vẫn chưa xứng tầm, chưa tạo được động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho vùng Đông Nam Bộ và khu vực phía nam. Để tạo đột phá về nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; mục tiêu là xây dựng nền giáo dục và đào tạo tiên tiến, hiện đại, hội nhập, trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á.

Xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân thành phố được học tập suốt đời, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và hội nhập quốc tế. Ngành giáo dục và đào tạo thành phố đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thành phố cần tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải, cũng như cần có các giải pháp căn cơ mang tính chiến lược lâu dài. Theo thống kê, tính đến nay, số học sinh tại thành phố đã tăng hơn 1,6 lần, số phòng học tăng hơn 1,8 lần so với cách đây 20 năm. Trước sức ép tăng dân số cơ học, số lượng học sinh hằng năm tăng nhanh dẫn đến số trường và số phòng học chưa đủ để bảo đảm tất cả học sinh đều được học hai buổi/ngày. Chỉ tiêu về diện tích đất trên học sinh không đủ định mức tối thiểu theo quy định. Nhiều trường có sĩ số học sinh các lớp cao, do đó việc triển khai giáo dục toàn diện, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, công tác quy hoạch và quản lý mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Cụ thể, chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia còn thấp; tiến độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng nhu cầu về chỗ học tăng hằng năm; sĩ số học sinh/lớp còn cao so với quy định, tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày chưa đạt chỉ tiêu, đáng lưu ý ở một số quận, huyện đạt rất thấp; trang thiết bị dạy học hiện đại chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời giữa lớp học và trường học.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu, chưa có định biên một số chức danh theo yêu cầu giáo dục toàn diện. Một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ và tin học dẫn tới việc chưa theo kịp yêu cầu đổi mới trong giáo dục và hội nhập quốc tế. Trình độ ngoại ngữ, tin học của một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập nhanh của thành phố.

Việc liên kết đào tạo nghề giữa các trường chuyên nghiệp với hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế của các nước trong khu vực và thế giới đạt kết quả chưa cao do trình độ tiếng Anh chuyên ngành của giáo viên còn hạn chế. Ngoài ra, còn phải kể đến một số chính sách đối với giáo dục và đào tạo còn bất cập chưa phù hợp với đặc điểm, tình hình giáo dục, đào tạo của thành phố, cần phải bổ sung, sửa đổi.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra các giải pháp về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm yêu cầu về chất lượng; phát triển trường lớp, cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; tăng cường hội nhập quốc tế... Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, điều quan trọng là ngành giáo dục và đào tạo thành phố cần đổi mới tư duy trong phát triển giáo dục.

Trong đó, cần đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản trị cơ sở giáo dục, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy bên trong cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.