Tại tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh sẽ có thêm ba khu công nghiệp được đưa vào hoạt động, thu hút khoảng 56.700 lao động. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 450 nghìn người lao động tại các khu công nghiệp đang có nhu cầu về chỗ ở nhưng các dự án nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng khoảng 6,5% nhu cầu. Để đáp ứng nhu cầu này, tỉnh đã đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ thực hiện 10 nghìn căn nhà ở xã hội. Trong số các mục tiêu đang hướng đến, hiện mới có ba dự án được phê duyệt với quy mô tổng cộng khoảng hơn 2.000 căn. Còn tại tỉnh Bình Dương, thống kê cho thấy, dân số đã tăng thêm 1,6 triệu người kể từ năm 2000 đến nay, trong đó phần lớn là người dân các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống và làm việc. Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 17 dự án và một đề án nhà ở xã hội được đầu tư với diện tích đất khoảng 132 ha. Tính đến năm 2021, tỉnh đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở. So với nhu cầu về nhà ở của công nhân, người có thu nhập thấp thì kết quả đạt được còn khá hạn chế.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường nhà ở trong phân khúc giá rẻ luôn nhận được mối quan tâm của nhiều người. Theo Ủy ban nhân dân thành phố, địa phương được Chính phủ giao chỉ tiêu đến năm 2030 cần phát triển được 69.700 căn nhà ở xã hội (riêng giai đoạn đến năm 2025 phát triển 22.600 căn), nhưng thành phố đăng ký kế hoạch là 83 nghìn căn. Mục tiêu của thành phố đến năm 2025 phải hoàn thành 35 nghìn căn; trong đó có khoảng 7.000 căn nhà ở cho thuê, 4.500 căn nhà lưu trú công nhân. Đây là chỉ tiêu rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Hiện nay, thành phố có 400 nghìn công nhân có nhu cầu về chỗ ở, tương ứng 280 nghìn chỗ ở. Nhằm triển khai mục tiêu này, các cơ quan chức năng đang tập trung các thủ tục pháp lý để hoàn thành mục tiêu xây dựng 35 nghìn căn nhà ở xã hội vào năm 2025 ở 36 dự án khác nhau. Theo phản ánh, gần một nửa trong số các dự án này được dự báo là khó hoàn thành đúng tiến độ. Ngoài ra, thành phố cũng có 88 dự án, khu đất dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng có đến 32 dự án không phù hợp quy hoạch, hoặc phù hợp quy hoạch chung nhưng không phù hợp quy hoạch phân khu, hoặc chưa có quy hoạch phân khu.
Những vướng mắc, khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được các địa phương chỉ rõ: Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán loại hình nhà ở này phức tạp và kéo dài; các đối tượng mua nhà ở xã hội, giá nhà ở xã hội,... phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa thật sự hấp dẫn. Trước thực trạng đó, các địa phương, sở, ngành chức năng các tỉnh, thành phố cần làm việc với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thực hiện cam kết khi triển khai các dự án. Các địa phương cần tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án nhưng cũng kiên quyết xử lý nghiêm các nhà đầu tư không có thiện chí, cố tình không triển khai dự án đã giao. Các địa phương cần quan tâm đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đầu tư, cập nhật quy hoạch, giải quyết vấn đề liên quan đến quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; các sở, ngành cần phối hợp, vận dụng tiêu chí để phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những người có nhu cầu thật sự. Quan trọng hơn là hoàn thiện các cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh hình thức xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, bán với các chính sách hợp lý, hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu và đối tượng sử dụng ■