Lan tỏa hiệu ứng kết nối ngân hàng-doanh nghiệp

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, giá trị ký kết và giải ngân tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố thông qua Chương trình “Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp” năm 2023 đạt hơn 633.500 tỷ đồng cho gần 177.000 khách hàng, tăng 11% so với năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00

Đây là mức cao nhất trong 10 năm qua kể từ khi chương trình bắt đầu tổ chức thực hiện, trong đó riêng giải ngân gói tín dụng ưu đãi do 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký tham gia chương trình từ đầu năm 2023 đạt 567.340 tỷ đồng, bằng 125% quy mô gói.

Kết quả từ Chương trình “Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp” đang phát huy hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn cả về vốn, lãi suất cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thuận lợi nhất các dịch vụ ngân hàng… Trong điều kiện lãi suất thị trường, lãi suất cho vay tăng cao, chương trình đã trực tiếp hỗ trợ vốn đầu tư cho doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Chương trình “Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp” cũng kết hợp các nội dung: Đối thoại doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền và phổ biến chính sách, tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp… qua đó, trở thành cầu nối và tạo dấu ấn của ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh về sự đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, thành công của chương trình đến từ sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố và các hiệp hội doanh nghiệp và ngành ngân hàng trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

Điểm tạo ra sự khác biệt và trở thành động lực để làm tốt chương trình này là ngành ngân hàng, Sở Công thương và chính quyền các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã coi đây là nhiệm vụ chung. Theo đó, Chương trình luôn là nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quận, huyện và là kế hoạch hằng năm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, ngay cả khi lãi suất ổn định ở mức thấp, việc đưa ra gói tín dụng ưu đãi vẫn rất cần thiết và có ý nghĩa đối với Chương trình “Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp” nhằm bảo đảm hoạt động cho vay và hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó, củng cố quan hệ ngân hàng-khách hàng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng; tiếp cận chính sách và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương cần tiếp tục kế thừa những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện đến từng đơn vị liên quan để tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hiệu ứng từ Chương trình “Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp” trong năm 2024.