Ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng

Trong thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhất là hàng hóa tiêu dùng và thực phẩm, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tìm cách trà trộn và đưa loại hàng hóa này ra thị trường tiêu thụ.
0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị chức năng thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra một cơ sở sản xuất hàng hóa tại quận Phú Nhuận.
Các đơn vị chức năng thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra một cơ sở sản xuất hàng hóa tại quận Phú Nhuận.

Hành vi nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người tiêu dùng và gây hệ lụy tiêu cực đến thị trường hàng hóa.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra các cửa hàng, hộ kinh doanh lĩnh vực thực phẩm trên địa bàn các Quận: 1, 3 và Phú Nhuận đã phát hiện hàng trăm ki-lô-gam mứt, gừng dẻo,… nhiều “không” (không ghi xuất xứ, không hạn sử dụng, không nhãn, không hóa đơn, không hồ sơ chất lượng).

Tương tự, tại Phường 8 (quận Phú Nhuận), các lực lượng chức năng cũng phát hiện các sản phẩm là thực phẩm đóng gói sẵn không có chứng từ, nhãn mác,… theo quy định.

Tại tỉnh Đồng Nai, đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh do Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai và các đơn vị chức năng phối hợp bắt quả tang một đối tượng về hành vi buôn bán, vận chuyển gần 500 kg pháo các loại và 210 gói thuốc lá ngoại nhập lậu.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, trong năm 2023, lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra hơn 5.000 vụ (tăng 41,37% so với năm 2022), phát hiện hơn 4.000 vụ vi phạm (tăng 32,9% so với năm 2022), thu nộp ngân sách hơn 722 tỷ đồng (tăng 9,8% so với năm 2022).

Còn tại tỉnh Bình Dương, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan chức năng nhiều địa phương khác đã phối hợp triệt phá một cơ sở sản xuất sữa kém chất lượng trị giá các loại hàng hóa lên tới 14,5 tỷ đồng tại phường Bình An, thành phố Dĩ An. Chủ cơ sở này khai đang chuẩn bị một lượng hàng lớn để tung ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, thu giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm liên quan tới hàng lậu, hàng giả, tăng 4,95% so với năm 2022; nộp ngân sách nhà nước gần 14.900 tỷ đồng...

Tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịp Tết chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều các địa bàn khác. Vì thế, đây là địa bàn các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tập trung đưa hàng ra thị trường tiêu thụ.

Là lực lượng chủ lực trong công tác kiểm soát các loại hàng hoá lưu thông trên thị trường, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cục quản lý thị trường các địa phương cần thường xuyên phối hợp với ngành chức năng và tỉnh, thành phố lân cận để kiểm tra đột xuất những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhất là các loại thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Các đơn vị chức năng cần xác định đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu quy mô lớn; đồng thời, kiểm soát hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội... để kinh doanh hàng lậu, hàng giả.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ xuất xứ cần được thực hiện quyết liệt, công khai; đồng thời, việc kiểm tra niêm yết giá, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý cũng cần được thực hiện thường xuyên, nhất là trong giai đoạn cao điểm Tết.

Để chặn đứng từ gốc tình trạng này, các cơ quan chức năng cần thực hiện quyết liệt tổng kiểm tra tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, chợ đầu mối, tuyến đường bộ, đường sắt…, nhất là địa bàn trọng điểm khu vực biên giới để ngăn chặn tình trạng tuồn hàng hóa vào thị trường.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để người dân có kỹ năng nhận biết, kiến thức về các loại hàng hóa cũng cần được thực hiện liên tục để mỗi người dân cùng chung tay đẩy lùi tình trạng hàng hóa kém chất lượng, giả mạo trên thị trường.