Quyết liệt với các loại tội phạm khu vực giáp ranh

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang là các địa bàn trung tâm, chiến lược, khu vực chính trị, kinh tế năng động của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Tuy vậy, đây cũng là địa bàn, trong đó có khu vực giáp ranh, các loại tội phạm thường tập trung hoạt động gây phức tạp về an ninh, trật tự.
0:00 / 0:00
0:00
Công an huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) ra quân bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Công an huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) ra quân bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trong báo cáo sơ kết năm 2023, các địa phương nhận định, tuy an ninh, chính trị khu vực bảy tỉnh, thành phố cơ bản ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn một số vấn đề về tình hình tội phạm. Nổi lên là các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn; tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn.

Tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản hoạt động ngày càng manh động, liều lĩnh. Tội phạm lợi dụng công nghệ cao, nhất là lừa đảo qua mạng vẫn diễn ra; tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất; các đối tượng buôn bán, vận chuyển sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện...

Tại địa bàn khu vực giáp ranh, nhiều vụ việc nổi cộm đã từng xảy ra gây xôn xao dư luận. Đơn cử, vụ cướp tài sản xảy ra ngày 24/10/2023 tại Phòng giao dịch Nhị Xuân, Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Hóc Môn (xã Xuân Thới Thượng) do ba đối tượng câu kết cướp 3,8 tỷ đồng gây hoang mang dư luận.

Tương tự, cuối tháng 12/2023, Công an huyện Cần Giuộc trong quá trình ra quân tổng kiểm tra hành chính địa bàn giáp ranh giữa Long An và Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện năm trường hợp dương tính với ma túy; kiểm tra phát hiện 12/49 nhà trọ không đăng ký lưu trú, không có phương án phòng cháy, chữa cháy, chủ cơ sở cho thuê lưu trú để người khác sử dụng ma túy.

Nhằm giảm thiểu các vụ việc nổi cộm, phạm pháp hình sự, vi phạm hành chính và các loại tội phạm, những năm qua, Công an bảy tỉnh, thành phố đã ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn giáp ranh. So với năm 2022, các địa phương đã kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội, điều tra làm rõ 10.105 vụ, 12.467 đối tượng. Trong đó, các địa phương đạt và vượt chỉ tiêu điều tra khám phá gồm Bà Rịa-Vũng Tàu (81,16%), Bình Dương (87,12%), Tây Ninh (87,66%), Long An (87,31%)...

Chương trình ký kết đã giúp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm, tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Để công tác này hoạt động đạt hiệu quả hơn, Công an bảy địa phương cần tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc", phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự nổi lên tại địa phương và các địa bàn giáp ranh.

Các đơn vị chức năng cần tăng cường quản lý lưu trú và địa bàn, lập kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các địa bàn giáp ranh; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội trong khu vực. Song song đó, các địa phương cần thực hiện tốt tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành pháp luật, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo.